Thứ 7, 23/11/2024, 23:28[GMT+7]

Quy định về chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học chưa phù hợp

Thứ 7, 03/06/2023 | 15:54:29
2,291 lượt xem
Theo các nhà quản lý, nhà khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu công lập vẫn còn nhiều vướng mắc do quy định không phù hợp thực tiễn. Các cơ quan chức năng cần rà soát, tháo gỡ kịp thời dựa trên những đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ tại Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc.

Với mức đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam còn khiêm tốn (trung bình trong giai đoạn 2021-2023 đạt 0,64% tổng chi ngân sách nhà nước), nhưng trong giai đoạn vừa qua, khoa học và công nghệ đã thể hiện rõ vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Căn cứ Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý IV và năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) ước tính đạt khoảng 43,8%.

Kết quả đó đã phản ánh được hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo như: hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, hoạt động đổi mới công nghệ, hoạt động đổi mới phương thức quản lý của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Năm 2022, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 48 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; tiếp tục xếp thứ tư trong Đông Nam Á; xếp thứ hai trong các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp. So với năm 2021, mặc dù giảm thứ hạng nhưng một số chỉ số đã có cải thiện như trụ cột “Thể chế”; nhóm chỉ số “Liên kết đổi mới sáng tạo”; trụ cột “Sản phẩm sáng tạo”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, nhà khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu công lập vẫn còn nhiều vướng mắc. Cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ được hướng dẫn tại Thông tư số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC, nhưng vẫn “nửa vời” khi nhà khoa học phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi, phải thực hiện các thủ tục liên quan đấu thầu mua sắm và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách, trong khi hiệu quả của hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu cho rằng, cần mạnh dạn khoán đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi vẫn bảo đảm quản lý hiệu quả và khoa học về tài chính, hướng tới mục tiêu toàn bộ năng lực và năng lượng của nhà khoa học dành cho hoạt động chuyên môn.

Quy định liên quan việc xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa rõ ràng cũng là rào cản lớn trong việc đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ra thị trường. Theo quy định của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tài sản hình thành từ nhiệm vụ đạt tiêu chuẩn là tài sản cố định phải được xử lý.

Từ thực tiễn thi hành, nhiều sở khoa học và công nghệ “kêu khó” do chưa có văn bản hướng dẫn việc xem xét đối tượng tài sản cần xử lý là từng đơn vị riêng lẻ hay theo kết quả (toàn bộ khối lượng, số lượng sản phẩm); rất khó xác định được tiêu chí “thời gian sử dụng” của một số loại sản phẩm để quyết định sản phẩm có phải là tài sản cố định hay không; các sản phẩm như báo cáo, quy trình công nghệ, bài báo; sách chuyên khảo… của đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng, dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có phải là tài sản hữu hình hay không thì còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Việc định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Thông tư số 10/2019/TT-BTC cũng gặp khó khăn. Cùng một kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ nếu xác định giá theo các cách khác nhau tại Thông tư nêu trên có thể dẫn đến các kết quả rất khác nhau và khó quyết định giá trị của tài sản.

Nêu một bất cập khác của định giá, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định cho rằng, phương pháp xác định giá dựa trên việc tổng hợp các chi phí khi triển khai nhiệm vụ là chưa phù hợp do còn có đóng góp quan trọng của “chất xám” là chi phí khó định lượng. Vì thế, hiện nay khó tìm được cơ quan có khả năng thẩm định giá tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gây khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thậm chí dẫn đến “nghịch cảnh” sợ sản phẩm thương mại hóa thành công thì có thể bị quy trách nhiệm trong công tác định giá làm thất thoát tài sản nhà nước.

Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ ở các vùng khó khăn, Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP có quy định về việc Nhà nước đầu tư nhiều hơn cho các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.


Tuy nhiên, khoản 3 Điều 28 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN quy định khi tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ nhận giao quyền sử dụng tài sản là kết quả nhiệm vụ, tiến hành thương mại hóa và có lợi nhuận thu được sau thuế, sau khi phân chia cho tác giả và người môi giới, phần lợi nhuận còn lại chia cho đại diện chủ sở hữu nhà nước tương ứng với tỷ lệ vốn nhà nước đóng góp vào nhiệm vụ.

Điều này có nghĩa là mức hỗ trợ của Nhà nước càng cao ở khu vực khó khăn thì phần lợi nhuận tương ứng phải trả cho Nhà nước càng lớn, và vì thế không tạo động lực cho tổ chức chủ trì, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), quy định về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tạo ra bằng ngân sách nhà nước không thống nhất và chưa tạo động lực cho các tác giả là các nhà khoa học trong triển khai, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi quy định tác giả công trình nhận 15%-20% tiền chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, còn theo Luật Khoa học và Công nghệ, tác giả được tối thiểu 30% lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng.

Thời gian qua, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ được Ủy ban nhân dân các tỉnh, bộ và cơ quan ngang bộ đặt hàng nhằm giải quyết các vấn đề tại địa phương hoặc các vấn đề của bộ, ngành, trong khi các cơ quan chủ trì thực hiện là các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức ngoài tỉnh, tổ chức không thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đặt hàng.

Nghị định số 70/2018/NĐ-CP lại không hướng dẫn chi tiết việc giao quyền sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho đơn vị đề xuất đặt hàng mà ưu tiên giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho tổ chức chủ trì nghiên cứu.

Quy định như vậy là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế đặt hàng và tính cấp thiết của nhiệm vụ đặt ra, nhất là khi các mô hình thử nghiệm đã được nghiên cứu, xây dựng và lắp đặt tại địa phương.

Trước những bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi quy định về cơ chế khoán chi, quản lý tài sản hình thành của các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nới rộng điều kiện của cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng, tăng tự chủ và trách nhiệm của đơn vị chủ trì nghiên cứu… để gỡ các “nút thắt” cho hoạt động chuyển giao công nghệ.

Theo nhandan.vn