Phát hiện mới về hóa thạch ở Việt Nam "Quái vật biển" 230 triệu năm ở rừng Cúc Phương
Giữa những ngày mưa gió đi tìm bộ xương “khủng long” giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương thật vất vả. Hướng vào rừng hoàn toàn không có đường, thi thoảng mới lộ một vài vết đi lại cắt dọc ngang của những người bản địa vào rừng kiếm sống. Người dân quanh vùng thường đi sâu vào Vườn Quốc gia Cúc Phương để bắt cua núi, ốc núi, hai thứ đặc sản rất có giá trị. Một số người sống như thời nguyên thủy trong rừng già để săn bắn.
Họ làm cả giàn trên cây rồi ngồi trên đó ngày đêm phục kích bắn thú. Mùa mưa, rừng Cúc Phương ẩm ướt, nên thứ nhiều nhất trong rừng là vắt. Loài vắt xanh bám trên lá, chờ người và thú đi qua là bám vào tìm da thịt hút máu. Vắt đất thì một miệng cắn xuống đất, một miệng ngỏng lên trời ngo ngoe. Hễ chân người dẫm vào, là nó bám riết tìm đường chui vào trong ống quần.
Trèo qua những sườn núi tai mèo sắc nhọn, lội qua những thung sâu ngập nước mùa mưa đến quá trưa thì một “tường thành đá” hiện ra giữa rậm rạm cây cối. Một bức tường đá thẳng đứng, kéo dài tít tắp và cao ngang với một tòa nhà 10 tầng. Bức tường đá tự nhiên phẳng lì lên màu đen bóng. Nhìn bức tường đá tự nhiên này, tôi chợt nhớ đến “thành đá Tà Cơn” trong rừng già Vĩnh Thạnh (Bình Định).
“Thành đá” này nếu không phải do tạo hóa vô tình làm ra, thì chỉ có thể là “siêu nhân” mới tạo ra được. Những khối đá đen bóng giống như mới nhô lên từ lòng đất. Trên bề mặt của những khối đá đó ẩn hiện những hình thù của những thân cây. Khu vực này là một quần thể hóa thạch thân cây. Những thân cây to chừng vài người ôm đã hóa đá từ hàng trăm triệu năm trước vẫn hiện rõ những u mấu, những thăn thớ trông như thớ gỗ.
Trên độ cao 4 mét của một vách đá thấp, nằm dưới chân “bức tường đá” cao vòi vọi, tôi sững sờ khi thấy những mấu đá trồi ra, trông rõ ràng như những khúc xương sống xếp theo một hàng dài ngoằng. Thì ra, đây chính là hóa thạch của loài bò sát 230 triệu năm tuổi mà Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương giấu kín chục năm nay. Thì ra, đây là thứ mà cả chục năm nay, chỉ số ít các nhà khoa học nổi tiếng được tận mắt chiêm ngưỡng, nghiên cứu.
Qua ánh sáng lờ nhờ yếu ớt lọt qua những kẽ lá của khu rừng rậm, tôi quan sát kỹ lưỡng bộ xương hóa thạch được cho là độc nhất vô nhị ở vùng Đông Nam Á rộng lớn này. Một dãy đốt sống gồm 12 đốt nguyên vẹn, rõ ràng, lồi ra khỏi mặt phẳng phiến đá như được một nghệ sĩ tài hoa đẽo tạc. Những đốt sống hình trụ, thót giữa, mặt lõm sâu chẳng khác gì đốt sống của các loài thú lớn ngày nay. Ngoài một dãy đốt sống, còn có những rẻ xương dài, hơi cong, mà tôi đồ rằng là xương sườn nằm lung tung trên mặt đá.
Vài chiếc xương sườn xếp như những chiếc xương quạt giấy lại nằm lộn lên đầu “khủng long”. Điều này chẳng có gì lạ. Qua hàng trăm triệu năm vận động tạo sơn, qua hàng trăm triệu năm bùn đất hóa đá, bộ xương con thú bị vần vò, nên mấy rẻ xương sườn có “nhảy” lên đầu cũng là chuyện bình thường. Ngồi bên hóa thạch mà các nhà khoa học ước chừng có tuổi 230 triệu năm, nhiều cảm xúc trong tôi ùa về.
Trí tưởng tượng chợt trôi về xa xưa, khi mà vào kỷ Trias giữa, ngọn núi tôi đang đứng là vùng ven biển, với đầm lầy bùn thụt. Khi ấy, dưới biển là các loài quái thú kiểu như “quái vật hồ Loch Ness”, trên bờ là các loài khủng long to lừng lững, còn ven biển là những loài bò sát cũng to lớn không kém. Trong số hàng triệu “quái vật” sinh ra, chết đi, xương thịt trở về với cát bụi, có một chú Bò sát răng phiến, là loài bò sát có thể sống dưới biển hoặc trên bờ, thường được gọi là Ngư Long, hay “quái vật biển” trong các truyền thuyết, rơi vào vùng có nhiều trầm tích. Trải thời gian, thịt da con thú này bị phân hủy, phần xương cứng nhanh chóng được bao bọc bởi các lớp trầm tích dưới đáy biển.
Những vật chất tạo hóa thạch sẽ từng ngày ngấm vào xương con thú. Trải qua hàng triệu năm, dưới áp suất lớn, cả lớp trầm tích bao bọc bộ xương sẽ biến thành một khối đá liền nằm dưới đáy biển. Rồi lại hàng triệu năm vận động của vỏ trái đất, khối đá từng nằm dưới đáy biển nhô lên thành núi non sừng sững giữa đất liền. Quá trình núi non nâng lên, hạ xuống tạo ra lực tác động khiến khối đá “thạch táng” chú Bò sát răng phiến vỡ ra, để lộ một mặt bộ xương sau 230 triệu năm nằm trong… “mộ đá”.
Không ai biết trong những núi đá ở khắp vùng Đông Nam Á này còn cất giấu bao nhiêu bộ xương Bò sát răng phiến nữa và không ai biết đã có bao nhiêu bộ xương Bò sát răng phiến hóa thạch đã bị mìn nổ tan tành, bị máy xay đá nghiền thành ximăng, nhưng cho đến hiện nay, đây là bộ xương hóa thạch Bò sát răng phiến đầu tiên được phát hiện ở vùng rộng lớn này. Hóa thạch Bò sát răng phiến đã trơ ra giữa rừng già Cúc Phương cả triệu năm nay.
Không biết đã có bao nhiêu triệu đời rêu mốc mọc trên bộ xương này, cũng không biết bao nhiêu đời khỉ vượn đã dẫm chân lên hóa thạch, thậm chí có thể đã có cả người vượn cổ xưa từng ngồi trên vách đá dựa lưng vào hóa thạch này. Nhưng chỉ đến khi anh chàng lâm tặc câm điếc bẩm sinh tên Biên, với sự hiểu biết của người hiện đại, mới lờ mờ nhận thức được hình thù giống bộ xương trên vách đá là cái gì và chỉ các nhà khoa học mới biết rõ về nó. Chỉ một bộ xương hóa đá, đã mở ra không gian khoa học địa chất, sinh tồn, tiến hóa… vô cùng rộng lớn, lý thú và đầy bí ẩn.
Theo VTC
Tin cùng chuyên mục
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả 17.10.2024 | 15:31 PM
- Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam cực đe dọa tương lai Trái đất 06.08.2024 | 09:46 AM
- 201 thí sinh tham gia Hội thi tin học trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024 10.06.2024 | 19:17 PM
- Tổng kết và trao giải hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học năm 2022 - 2023 18.12.2023 | 16:35 PM
- Hội thảo khoa học về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông nghiệp 16.12.2023 | 14:38 PM
- Hội nghị khoa học về chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch 28.10.2023 | 12:02 PM
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nước mắm 15.02.2023 | 18:51 PM
- Tàu container lớn nhất thế giới 13.02.2023 | 08:42 AM
- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập 23.09.2022 | 21:19 PM
- Hội thảo tư vấn, phản biện về cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ 07.06.2022 | 16:39 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024