Thứ 2, 18/11/2024, 01:27[GMT+7]

Kiến nghị nhà khoa học được thụ hưởng kết quả nghiên cứu từ ngân sách

Thứ 7, 19/08/2023 | 11:15:08
1,041 lượt xem
PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn đề xuất, các nghiên cứu mang lại giá trị kinh tế, nhà khoa học được thụ hưởng, còn nhà nước có thể thu hồi ngân sách khi sản phẩm bán ra thị trường thông qua các loại thuế.

PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn phát biểu nêu ý kiến tại hội nghị, sáng 18/8.

Ông Tuấn, nguyên Phó khoa cơ khí, Đại học Bách khoa TP HCM nêu ý kiến tại hội nghị đánh giá thực hiện các chương trình khoa học quốc gia do Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 18/8 tại TP HCM.

Nhiều năm làm khoa học, PGS Tuấn cho biết, các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước khi hoàn thành được coi là tài sản công, do nhà nước quản lý. Điều này một phần khiến các nghiên cứu không được đưa vào thực tiễn sản xuất do vai trò nhà nước trong các kết quả này vẫn còn.

Ông đề xuất, nhà nước cần mạnh dạn thí điểm 5 - 10 năm tới, cơ quan chủ trì hoặc chủ nhiệm đề tài được hưởng hoàn toàn kết quả nghiên cứu, quyết định cho sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo điều kiện khi các nghiên cứu được thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế. Khi sản phẩm ra thị trường, nhà nước có thể thu hồi ngân sách thông qua quá trình đóng các loại thuế cao hơn.

Để sát với nhu cầu thị trường, ông Tuấn đề xuất ngay từ khi duyệt đề tài khoa học công nghệ quốc gia, cần có đại diện doanh nghiệp tham gia hội đồng chuyên môn. Trong thuyết minh, nhóm nghiên cứu phải cụ thể hóa quá trình nghiên cứu phát triển gắn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và sản phẩm giúp tăng năng suất, tạo ra giá trị ra sao để nâng cao sức cạnh tranh. "Một ý tưởng nếu không thương mại hóa được đều là vô ích", PGS Tuấn nói và cho biết cần loại những đề tài không có khả năng thương mại hóa có thể tiết kiệm ngân sách. Khoản tiết kiệm này có thể dùng để khoán sản phẩm cuối cùng với các đề tài có thể thương mại hóa, tạo ra giá trị cho xã hội.

Vừa làm khoa học và doanh nghiệp PGS.TS Lê Trung Thiên (công ty Nông Lâm Food) cho biết, thực tế hiện nay doanh nghiệp và nhà khoa học chưa gặp được nhau về nhu cầu công nghệ. Các đề tài cần có thời gian đăng ký, mất vài năm mới triển khai và có kết quả nhưng nhu cầu doanh nghiệp cần sản phẩm ngay, có khi trong 6 tháng đến một năm. "Khi sản phẩm nghiên cứu xong thì nhu cầu doanh nghiệp đã qua rồi", PGS Thiên nói. Ông đề xuất, nhà khoa học phải tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp trước, cho ra sản phẩm kịp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các thủ tục hành chính, sử dụng kinh phí cần theo hướng linh hoạt hơn, không bị gò bó để tạo điều kiện cho nhà khoa học.

Đồng tình, ông Nguyễn Mạnh Cường, Cục phó Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua Bộ và các cơ quan chức năng chủ trương tái cơ cấu các chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia theo hướng đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tài chính đầu vào và đầu ra... nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn. Ngoài ra, các đề tài dùng ngân sách đang chuyển dịch theo tinh thần giao kết quả nghiên cứu cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc này hiện gặp nhiều vướng mắc các luật hiện hành của nhiều Bộ ngành khác.

Đại diện cơ quan phía Nam chia sẻ, Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương xây dựng cơ chế sandbox (thử nghiệm chính sách) với việc cởi bỏ các quy định hiện hành, thí điểm trong vài năm trước khi thực hiện. "Vấn đề này khi được tháo gỡ sẽ khiến nhà khoa học có thể thương mại hóa nhanh và làm giàu từ nghiên cứu của mình", ông Cường nói.

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý khoảng 20 chương trình khoa học công nghệ quốc gia và hai quỹ Nafosted và Natif. Giai đoạn 2010 - 2020, các dự án sau khi tham gia chương trình có mức tăng trưởng trung bình 20%. Ba chương trình lớn do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý gồm: phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ quốc gia và phát triển sản phẩm công nghệ cao, đã huy động nguồn vốn 4.000 tỷ đồng từ đối ứng doanh nghiệp, nhà nước tài trợ 1.000 tỷ đồng. Các chương trình đã nghiên cứu và thương mại hóa hàng nghìn công nghệ, tạo nhiều việc làm và liên kết vùng cho doanh nghiệp.

Hội nghị lần này tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của sở ngành các tỉnh Nam Bộ, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp về các chương trình khoa học công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhằm tái cơ cấu các chương trình thời gian tới.

Theo vietnamplus.vn