Chủ nhật, 17/11/2024, 02:23[GMT+7]

'Các quốc gia đang chờ Việt Nam vào cuộc chơi bán dẫn toàn cầu'

Thứ 3, 19/12/2023 | 11:03:01
3,235 lượt xem
GS Albert Pisano đến từ Mỹ cho rằng các quốc gia đang chờ và hy vọng Việt Nam tham gia cuộc chơi của ngành bán dẫn toàn cầu khi chứng kiến những bước đi đầu tiên đúng hướng.

Các nhà khoa học thảo luận về cơ hội phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

GS Albert Pisano, đồng Chủ tịch hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California San Diego (Mỹ), chia sẻ bên lề tọa đàm về công nghệ bán dẫn tổ chức sáng 18/12 tại Hà Nội.

Nói về xuất phát điểm của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, GS Albert Pisano cho rằng cần nhìn vào những sản phẩm Việt Nam đã và đang làm tốt. Ông ví dụ về sản xuất tai nghe không dây ở Việt Nam là sự kết hợp của rất nhiều ngành (nhựa, thẩm âm, công nghệ không dây...) được tích hợp trong sản phẩm. Khi đã chứng minh có thể khởi đầu từ điểm đã làm tốt và thế giới hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ làm tốt.

GS Albert Pisano chia sẻ với báo chí bên lề tọa đàm sáng 18/12. Ảnh: Văn Lâm

GS Albert Pisano chia sẻ với báo chí bên lề tọa đàm sáng 18/12.

Nhìn kinh nghiệm từ Singapore ông cho rằng cách tiếp cận đơn giản là tìm đối tác nhiều hơn và kết bạn với những quốc gia sẵn sàng chia sẻ giá trị kinh tế của họ cho mình. Các đối tác có thể hỗ trợ, cùng thực hiện, thay vì tự đứng ra làm tất cả mọi thứ.

"Với thành công bước đầu, nếu tiếp tục lộ trình, con đường đấy và tôi tin sẽ mang lại nhiều hơn sự thành công cho Việt Nam thời gian tới", ông nói và cho rằng trong việc chuẩn bị nhân lực đã thực hiện những các bước đi đầu tiên đúng hướng. Ở Việt Nam đã có những trường đại học, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực này và ngày càng phát triển. Chất lượng nghiên cứu của các trường đại học thì cũng ngày càng gia tăng.

Tại tọa đàm GS Vivian Yam, Trường đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng đối với công nghiệp bán dẫn, nguồn lực ban đầu, gồm cả tài chính và con người đều rất quan trọng. "Việt Nam có thể bắt đầu công nghiệp bán dẫn với quy mô nhỏ và Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học để chuẩn bị nguồn lực", ông gợi ý.

GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) cũng nhấn mạnh các trường đại học trong nước cần đào tạo ra nguồn nhân lực cao cho bán dẫn. Việt Nam hiện đang thiếu nguồn nhân lực cao này, cần tạo điều kiện cho các sinh viên vừa học vừa thực hành tại doanh nghiệp.

Trước đó trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ hồi tháng 9, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời "ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam".

Tuyên bố cũng nhắc tới việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Thống kê vào tháng 2 của Cục Thống kê Dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần. Con số này đưa Việt Nam cùng một số khu vực ở châu Á vào top thị trường tăng trưởng mạnh nhất, theo đánh giá của Bloomberg.

Theo vnexpress.net