Chủ nhật, 24/11/2024, 02:35[GMT+7]

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Thứ 4, 10/01/2024 | 15:43:54
1,336 lượt xem
Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai và công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hàng năm.

Bộ thiết bị chữa cháy gồm quả cầu chữa cháy và thiết bị phóng, thả cầm tay hoặc qua thiết bị bay không người lái của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trưng bày tại Techconnect 2023.

Nội dung trên được nêu trong nghị quyết 02 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, ban hành ngày 5/1.

Chính phủ yêu cầu các địa phương bố trí nguồn lực, tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thu thập, cung cấp dữ liệu và đặt mục tiêu cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo hàng năm.

Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Năm 2022 là năm đầu tiên bộ chỉ số được xây dựng thử nghiệm với 20 địa phương. Sau khi có kết quả thử nghiệm, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ "chính thức triển khai xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023" (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023).

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cấu trúc bộ chỉ số PII được thiết kế với hai nhóm chỉ số đầu vào (5 trụ cột) và đầu ra (2 trụ cột). Mỗi trụ cột có các nhóm với 52 chỉ số thành phần (GII thường có khoảng 80 chỉ số thành phần).

Năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam, theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở vị trí thứ 46, tăng hai bậc so với năm 2022. Hiệu quả logistics của nước ta cũng được ghi nhận cải thiện về chất lượng.

Tại Nghị quyết 02, Chính phủ cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục để xác định cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc Luật Đầu tư hoặc Nghị định của Chính phủ.

Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ nghiên cứu, góp ý hoàn thiện chính sách thuế, đất đai, đầu tư, tín dụng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Chính phủ đồng thời giao Bộ xây dựng cơ chế thí điểm mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; xây dựng chương trình ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung nhằm khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, tạo sản phẩm mới giá trị gia tăng cao; quy hoạch xây dựng phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ toàn quốc.

Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Dự thảo sẽ đề xuất áp dụng đầy đủ nguyên tắc khoa học về quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Bộ cũng chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để trình Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Theo nghị quyết, năm nay Việt Nam phấn đấu nâng xếp hạng nhóm chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất ba bậc; chất lượng môi trường tăng 10 bậc; xuất khẩu dịch vụ ICT tăng 5 bậc.

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu lọt vào nhóm 50 nước đứng đầu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Năng lực đổi mới sáng tạo tăng ít nhất ba bậc; Chính phủ điện tử tâng 5 bậc; hiệu quả logistics tăng 4 bậc.

Theo vnexpress.net