Thứ 7, 23/11/2024, 19:51[GMT+7]

'Thiết kế mô hình đào tạo để kịp chuẩn bị nhân lực ngành vi mạch bán dẫn'

Chủ nhật, 28/04/2024 | 08:19:41
2,540 lượt xem
Để một kỹ sư có thể làm việc trong ngành vi mạch bán dẫn cần tới 6 năm học cả cơ bản và chuyên sâu, vì vậy cần có mô hình phù hợp mới tính đến phát triển chương trình đào tạo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại sự kiện hôm 26/4. Ảnh: HUST

Thông tin được thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nói tại hội thảo "Chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp" tổ chức ngày 26/4.

Theo Thứ trưởng Sơn, việc tập trung đào tạo kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn là hướng đi chiến lược để tận dụng cơ hội tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài cần thấy Việt Nam có nhân lực thì mới đầu tư, nhưng muốn thu hút sinh viên vào học, muốn phát triển đào tạo mạnh lại cần phải có thị trường.

Ông cho rằng việc xây dựng chương trình đào tạo cần xuất phát từ nhu cầu của ngành để có hướng tập trung phù hợp. Ngoài chương trình, mô hình đào tạo cũng cần được bàn thảo để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường nhanh và lâu dài.

Thực tế bây giờ bắt đầu tuyển sinh cử nhân đào tạo 4 năm, cần ít nhất 1-2 năm đào tạo chuyên sâu. Như vậy phải đến năm 2030 mới có khóa đầu tiên. Thứ trưởng Sơn cho rằng, để đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế, phải nghiên cứu mô hình đào tạo phù hợp, sau đó mới bàn chương trình đào tạo.

Dự đoán đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần từ 30.000 đến 50.000 kỹ sư phục vụ ngành vi mạch. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận đây là cơ hội và cũng là thách thức với các trường đại học trong việc xây dựng chương trình đào tạo.

Ông đề xuất xây dựng chương trình đào tạo cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về số lượng và chất lượng từ các doanh nghiệp. Các trường cần xác định trong 50.000 kỹ sư vi mạch sau 4 năm đào tạo có thể làm việc gì, ở đâu trong lĩnh vực nào của vi mạch bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ tại hội thảo sáng 26/4. Ảnh: HUST

PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ tại hội thảo sáng 26/4. Ảnh: HUST

PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, kiến nghị chương trình chế tạo thử nghiệm, thông qua xây dựng cơ sở vật chất, ưu đãi học bổng, ưu đãi thuế, vốn doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo, tuyển dụng, cùng xây dựng chương trình khoa học công nghệ hợp tác quốc tế.

Còn TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học quốc gia TP HCM, nhìn nhận 75% nguồn nhân lực các công ty thiết kế vi mạch tập trung trong mảng frontend và backend. Song thực tế các trường đại học hiện chưa đào tạo các mảng doanh nghiệp cần, thậm chí doanh nghiệp phải đào tạo lại 100% nguồn nhân lực.

Ông kiến nghị thí điểm chương trình đào tạo ngành thiết kế vi mạch định hướng System-on-Chip, tức là tham gia thiết kế hệ thống trên Chip nhằm làm chủ quy trình thiết kế các vi mạch. TS Sơn còn cho rằng cần có mô hình phòng thí nghiệm chia sẻ, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn giúp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo nhân lực nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm.

Theo vnexpress.net