Thứ 6, 15/11/2024, 23:55[GMT+7]

Việt Nam tăng số bài báo công bố quốc tế trong năm 2023

Thứ 3, 07/05/2024 | 08:54:58
2,830 lượt xem
Theo bảng xếp hạng Journal & Country Rank của SCImago, Việt Nam đứng thứ 47/234 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng với 19.196 bài báo đã công bố, tăng so với con số hơn 18.000 bài báo năm 2022.

Bên trong Phòng kiểm tra chất lượng và đánh giá hoạt tính sinh học của tế bào gốc tại Viện tế bào Gốc (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM).

Công bố thống kê số bài báo quốc tế năm 2023 được SCImago, tổ chức chuyên cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, trụ sở tại Tây Ban Nha, đưa ra đầu tháng 5. Trong khu vực, Việt Nam xếp sau Indonesia (thứ 19), Malaysia (thứ 23), Singapore (thứ 35) và Thái Lan (thứ 36). Ba quốc gia dẫn đầu gồm Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc có hơn 1 triệu công bố, gấp 1,4 lần so với Mỹ và 3,4 lần so với Ấn Độ. Trong đó Indonesia có cải thiện vượt bậc, tăng từ thứ hạng 25 (năm 2022) lên thứ 19 (năm 2023).

Chia sẻ với VnExpress, một số nhà khoa học nhìn nhận việc duy trì thứ hạng trong top 50 từ năm 2020 cho thấy Việt Nam đã ổn định về mặt sản lượng nghiên cứu khoa học và có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Công bố khoa học của Việt Nam tăng liên tục qua các năm, riêng 2022-2023 số lượng bài báo tăng nhẹ từ 18.551 lên 19.196 bài báo, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của cộng đồng khoa học Việt Nam trong việc đóng góp cho khoa học toàn cầu.

TS Lê Duy Tân, trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP HCM, đồng sáng lập Phòng Thí nghiệm AIoT Lab VN, cho biết năm 2023 số công bố Việt Nam chỉ bằng 1,84% của Trung Quốc (1.043.131 bài) và 2,69% của Mỹ (714.412 bài). Tỷ lệ này gần như không thay đổi nhiều so với bảng xếp hạng năm 2022. "Song chỉ số trích dẫn theo từng bài nghiên cứu (Citations per document) của Việt Nam (1.06) tiếp tục cao hơn Trung Quốc (1.05) và Mỹ (0.92)", TS Tân nói.

Lý giải về công bố quốc tế tăng nhẹ trong năm qua, TS Tân nêu nguyên nhân là trong xu thế phát triển chung thị trường giáo dục ngày càng cạnh tranh, hiện rất nhiều đại học, trường đại học đã có KPI về nghiên cứu rõ ràng cho giảng viên. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) cùng nhiều cơ sở giáo dục đại học như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM... gần đây đều có chính sách hỗ trợ công bố quốc tế đều đặn qua các năm.

Anh dẫn chứng, vừa qua Đại học Quốc gia TP HCM đã đưa ra chương trình "Thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM" (VNU350). Ngoài việc hỗ trợ thực hiện các đề tài cơ sở, đề tài nghiên cứu khoa học loại A, B, và C hàng năm với chỉ tiêu đặt ra là các sản phẩm khoa học, bài báo được quy định cụ thể.

TS Tân nhấn mạnh, công bố quốc tế không chỉ là cách để các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu, còn là phương tiện khẳng định uy tín và năng lực khoa học. "Đây là sứ mạng và nhiệm vụ của một nhà khoa học", anh nói. Để duy trì và cải thiện khả năng công bố quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, như tập trung vào chất lượng công trình và ứng dụng thực tiễn. Bên cạnh đó cần đổi mới cơ chế quản lý, thủ tục hành chính, tạo môi trường nghiên cứu cạnh tranh và thuận lợi, phát triển thị trường công nghệ, và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Những bước tiến này sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong cộng đồng khoa học quốc tế và góp phần vào sự phát triển của ngành khoa học toàn cầu.

Song anh lưu ý bảng xếp hạng của Scimago hiện vẫn chủ yếu đếm số lượng bài, chưa thể dựa vào đó để đánh giá chất lượng của các công trình nghiên cứu. Do đó Việt Nam cần có thêm bước tiến lớn hơn để cải thiện vị thế "không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng và tác động của các công trình nghiên cứu".

TS Tân cho hay hiện đã nhiều quỹ, chương trình để hỗ trợ các nhà khoa học, đặc biệt là thế hệ nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên vướng mắc trong các thủ tục hành chính để triển khai cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, kể cả việc thanh toán, quyết toán còn phức tạp. "Tôi hy vọng sắp tới cơ chế tài chính sẽ được đơn giản hóa để "cởi trói" cho các nhà khoa học, chỉ như vậy mới để các nhà nghiên cứu đầu tư toàn bộ chất xám tạo ra những công trình chất lượng", anh nói.

Theo vnexpress.net