Thứ 5, 14/11/2024, 11:12[GMT+7]

Nhà khoa học Hàn Quốc hiến kế giúp Việt Nam phát triển bán dẫn, AI

Thứ 2, 01/07/2024 | 17:20:01
1,291 lượt xem
15 chuyên gia, nhà khoa học của Hàn Quốc hiến kế giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo khi tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi thông tin với các nhà khoa học Hàn Quốc.

Ngày 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và có buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

TS Chang Joon-Yeon, Phó chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST), cho biết từ năm 1978, Chủ tịch Tập đoàn Samsung khi đó đã tới Viện KIST để tìm hiểu việc đầu tư vào công nghệ bán dẫn. Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này và đã đầu tư vào Trung tâm nghiên cứu về bán dẫn.

"Việc đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học rất quan trọng. Nếu không có ý chí của Chính phủ và các nhà đầu tư đặt quyết tâm vào lĩnh vực này thì không thể có được thành công về bán dẫn", ông Chang nói.

GS Lim Jung-Wook, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Viện Nghiên cứu điện tử viễn thông (ETRI), cho rằng Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực ưu tú. Để thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn, cần rất nhiều thời gian đầu tư, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực ưu tú. Ông Lim và nhiều nhà khoa học cùng băn khoăn về kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn chất xám từ sinh viên được đào tạo về bán dẫn của Việt Nam.

Giáo sư Jeong Moon-seok, Đại học Hanyang, thì cảnh báo nguy cơ nhiều quốc gia đang cố gắng hút nguồn nhân lực bán dẫn của nhau bằng nhiều chính sách hấp dẫn.

Các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc phát biểu tại cuộc ăn trưa làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc phát biểu tại buổi ăn trưa làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng việc hợp tác với KIST và rộng hơn với Hàn Quốc trong lĩnh vực AI phụ thuộc rất nhiều vào thế mạnh và lĩnh vực nghiên cứu của mỗi bên. Viện KIST có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các công nghệ AI và một số công nghệ đã được Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng, như Viện nghiên cứu về AI và Robot.

Những lĩnh vực hai bên có tiềm năng hợp tác bao gồm các công nghệ AI trong thị giác máy tính và đồ họa máy tính; Các công nghệ AI trong y tế và công nghệ y sinh học; AI cho nhà máy thông minh; AI cho chính phủ điện tử, đô thị thông minh; AI trong lĩnh vực chip bán dẫn...

Bộ trưởng Đạt cho biết, theo Hiệp định của hai Chính phủ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc VKIST đã xây dựng và vận hành, bắt đầu giải quyết được nhiều bài toán của doanh nghiệp ở Việt Nam. VKIST sẽ đóng vai cầu nối trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn giữa Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc nói chung và với Viện KIST nói riêng.

Trong thời gian tới, thừa hưởng những kết quả đạt được của dự án VKIST giai đoạn 1, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo Viện VKIST tập trung nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu gồm các chip mô phỏng não người có hiệu năng cao, mạng nơ ron nhân tạo dựa trên khoa học thần kinh, tính toán lượng tử quy mô lớn và kết nối bảo mật, điện tử học spin, các công nghệ linh kiện quang tử tốc độ cao. "Đây cũng là thế mạnh của Hàn Quốc và cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác của hai nước", Bộ trưởng Đạt nói.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại cuộc ăn trưa, tọa đàm.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại cuộc ăn trưa, tọa đàm.

Trả lời GS Lim Jung-Wook, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói lĩnh vực bán dẫn cạnh tranh khốc liệt, trong đó việc dẫn đầu ngành đòi hỏi phải có thời gian và chiến lược đáng kể. Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang ở thời điểm cần có bước nhảy vọt về công nghệ mới. Vì vậy, việc đảm bảo các công nghệ mới thông qua R&D (sáng tạo để tạo ra kiến thức, công nghệ, sản phẩm mới hoặc cải tiến các sản phẩm hiện có) là vô cùng quan trọng ở Việt Nam.

"Tôi hiểu rằng Việt Nam có rất nhiều cá nhân tài năng và điều quan trọng là nuôi dưỡng những tài năng này và giúp họ phát triển thành chuyên gia bán dẫn. Nếu có kế hoạch dài hạn quốc gia liên quan đến vấn đề này, xin GS Lim giới thiệu cho tôi", Bộ trưởng Đạt đề nghị.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng xây dựng chiến lược về bán dẫn. Cách đây 4 năm Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện chiến lược về AI. "Đường đi vạch ra tương đối rõ, có tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm rõ ràng. Chúng tôi đang tập trung cơ chế chính sách để thu hút bán dẫn và AI, với những chính sách ưu đãi nhất hiện nay để hấp dẫn và cạnh tranh hơn nữa với các nhà đầu tư", ông Dũng thông tin.

Theo ông, trong vài ngày tới Chính phủ sẽ xem xét phê chuẩn về đề án đào tạo nhân lực bán dẫn. Trong số 50.000 nhân lực từ nay tới năm 2030, có 15.000 người trong lĩnh vực thiết kế và 35.000 cho các ngành khác, trong đó có 5.000 kỹ sư cho AI. Việt Nam có 30 trường đại học và đang có kế hoạch đào tạo nâng cấp 1.300 giảng viên để đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn.

"Tôi đề nghị các doanh nghiệp, trường đại học Hàn Quốc hỗ trợ các suất học bổng để chúng tôi gửi sinh viên sang đào tạo, hiện thực hóa nguồn nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng Dũng nói.

Các nhà khoa học Hàn Quốc trong cuộc ăn trưa tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Các nhà khoa học Hàn Quốc trong cuộc ăn trưa tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng Việt Nam.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Viettel, mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông nói Viettel có đủ tiềm lực, có cơ chế chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, có khả năng nghiên cứu sản xuất chip; có nguồn lực hệ sinh thái về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số; có khách hàng lớn chính là người dân Việt Nam và 10 quốc gia đã đầu tư; có hệ thống dữ liệu hạ tầng số; năng lực tài chính mạnh.

Theo ông Thắng, Viettel đã hợp tác với các tập đoàn Samsung, Hanwha, SK... nhưng "vẫn chưa tương xứng với quy mô hiện nay". Do đó, Viettel mong muốn được đón các nhà khoa học, chuyên gia Hàn Quốc làm việc và trao đổi cụ thể, nhất là có thêm hợp tác về y tế, giáo dục với các tập đoàn Hàn Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các đại biểu; đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc tiếp tục đóng góp ý kiến giúp Việt Nam xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách ưu đãi đủ sức cạnh tranh, thu hút đầu tư và nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Ông khẳng định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, xu thế chung của thế giới. Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, Việt Nam xác định phải tập trung phát triển các ngành mang lại giá trị cao, nhất là các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Nhấn mạnh đến chủ trương và quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển bán dẫn và AI, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và đề án trong lĩnh vực này. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy lỗ hổng y tế của các nước, đòi hỏi phát triển trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn trong lĩnh vực y tế.

"Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Hàn Quốc vào ngày mai, chúng tôi sẽ đề xuất hợp tác liên Chính phủ trong hai ngành quan trọng này, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc", Thủ tướng nói.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế thứ 12 thế giới, với mức đóng góp 8% GDP quốc gia và đạt doanh thu 129 tỷ USD xuất khẩu, Hàn Quốc đã trải qua những bước phát triển lâu dài từ cách đây hơn 50 năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân.

Theo vnexpress.net