Chủ nhật, 10/11/2024, 05:34[GMT+7]

Nghiên cứu khoa học thúc đẩy phát triển du lịch

Thứ 4, 31/07/2024 | 09:40:31
2,546 lượt xem
Là sáng kiến đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 vừa qua, công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số hóa xây dựng cẩm nang du lịch tỉnh Thái Bình góp phần khai thác và phát triển du lịch bền vững” do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình biên soạn là tư liệu ý nghĩa, hiện đang được lan tỏa tới du khách trong và ngoài tỉnh. Với công trình này, nhà trường đã huy động sự tham gia, phát huy thế mạnh của thầy cô ở các bộ môn với mong muốn tạo nên bức tranh toàn cảnh du lịch đa sắc màu của tỉnh.

Nhiều tác phẩm tranh nghệ thuật về cảnh đẹp du lịch Thái Bình được giới thiệu trong cẩm nang du lịch tỉnh do giảng viên nhà trường thực hiện.

Liên tục cập nhật đáp ứng nhu cầu thông tin 

Giới thiệu về công trình khoa học, bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Thực tế hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch của tỉnh đang từng bước được thực hiện, tuy nhiên chưa có tài liệu xây dựng một cách có hệ thống các tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 3562/QĐ-UBND, ngày 29/12/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời lồng ghép, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn theo định hướng của tỉnh. Với vai trò, chức năng là trường duy nhất trong tỉnh có đào tạo chuyên ngành du lịch, đào tạo cán bộ quản lý văn hóa và đội ngũ giáo viên chuyên ngành chuyên sâu về lĩnh vực du lịch cùng các lĩnh vực liên quan, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ số hóa xây dựng cẩm nang du lịch tỉnh. Để tiếp cận toàn bộ thông tin đã được nghiên cứu, biên soạn ở công trình này, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối internet để quét mã QR. Đây cũng là điều nhóm tác giả rất tâm đắc ở cẩm nang du lịch bởi việc mã hóa các nội dung không chỉ giúp truyền tải thông tin nhanh chóng, thuận lợi mà còn có thể liên tục cập nhật, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về điểm đến ngày càng cao của du khách. 

Cẩm nang du lịch bao gồm 15 phần, trong đó giới thiệu chi tiết 7 cung đường theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh. Ngoài ra, hơn 50 địa điểm du lịch còn được giới thiệu cụ thể trong các phần như: ẩm thực; điểm du lịch cộng đồng, làng nghề; điểm du lịch văn hóa, lễ hội tâm linh, di tích lịch sử... 

Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm từ nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa, du lịch, giảng viên Nguyễn Thị Tô Lịch, Khoa Nghiệp vụ văn hóa và các môn chung, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh là người trực tiếp viết lời giới thiệu về mảnh đất, con người Thái Bình, các điểm du lịch trên từng cung đường cụ thể. Cô cho biết: Dù quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu đã đầu tư nhiều thời gian, tâm sức nhưng không chỉ diễn ra trong suốt 2 năm vừa qua mà hiện nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện từ phản hồi của các công ty lữ hành, du khách trong và ngoài nước. Từ việc ứng dụng công nghệ số, nhóm tác giả có thể theo dõi lượng truy cập vào cẩm nang du lịch, đồng thời biết được thông tin nào được quan tâm nhiều, từ đó có thể nghiên cứu bổ sung, làm dày dặn hơn vốn tư liệu mà cẩm nang cung cấp. 

Đưa nghiên cứu vào thực tiễn 

Tâm huyết với đề tài nghiên cứu, mong muốn góp phần lan tỏa vẻ đẹp mảnh đất, con người, đưa du lịch phát triển, sau khi công trình khoa học đạt giải nhì tại hội thi cấp tỉnh, giải khuyến khích tại hội thi cấp quốc gia, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã kết nối, chia sẻ cẩm nang du lịch tỉnh Thái Bình tới hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải phía Bắc. Đồng thời, tại các sự kiện lớn của tỉnh như chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming day” diễn ra vào tháng 12/2023, nhà trường đã in ấn hàng nghìn tờ gấp song ngữ Việt - Hàn dành cho du khách tại sự kiện. Ngoài ra, nhà trường cũng đang tích cực phối hợp cùng một số đơn vị chế tác để nghiên cứu tặng phẩm có gắn mã QR về cẩm nang du lịch Thái Bình. 

Du khách tiếp cận thông tin về du lịch thông qua việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối internet để quét mã QR.

Giảng viên Hoàng Thị Hương, Khoa Nghiệp vụ văn hóa và các môn chung, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Với chức năng, nhiệm vụ của Khoa là đào tạo chuyên ngành du lịch, các giảng viên đã thường xuyên sử dụng cẩm nang du lịch như một tài liệu chuyên sâu, đầy đủ về các khía cạnh của du lịch tỉnh hiện nay để giảng giải, hướng dẫn cho học sinh. Bên cạnh đó, các em cũng được tìm hiểu cách thức sử dụng, tra cứu, tiếp nhận thông tin từ cẩm nang sao cho nhanh và đạt hiệu quả nhất. Thiết thực phục vụ nhu cầu được khám phá du lịch tại Thái Bình của học sinh, sinh viên nhà trường, nhóm tác giả đã trao tặng thư viện trường cuốn cẩm nang du lịch tỉnh. Nhờ đó, trước mỗi chuyến đi, học sinh, sinh viên có thể quét mã QR về từng cung đường cụ thể, đồng thời tìm kiếm thông tin theo nhu cầu của bản thân như tìm nơi ăn, nghỉ, nơi mua đặc sản của địa phương... 

Sau quá trình đưa cẩm nang du lịch tỉnh đến với du khách, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh mong muốn nhận được sự đồng thuận của UBND tỉnh, các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực du lịch để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu với mục tiêu tạo nên nhiều trải nghiệm thiết thực hơn cho du khách. Trong đó, nhà trường hướng đến nghiên cứu tạo video chất lượng cao giới thiệu từng điểm du lịch, thí điểm ứng dụng tích hợp công nghệ hỗ trợ du khách như xây dựng bản đồ trực tuyến quản lý không gian du lịch, phát triển bản đồ tương tác và chức năng đặt dịch vụ trực tuyến, tạo liên kết với website về du lịch... và xuất bản cẩm nang, gửi đến người tiêu dùng.

Cẩm nang du lịch Thái Bình do giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh thiết kế đồ họa.


Tú Anh