Thứ 7, 23/11/2024, 09:58[GMT+7]

Giảng viên chế tạo robot hỗ trợ trong bệnh viện

Thứ 2, 04/11/2024 | 09:30:26
365 lượt xem
Nhóm giảng viên, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chế tạo robot dẫn đường, hỗ trợ thông tin cho bệnh nhân trong bệnh viện, giao tiếp bằng giọng nói.

Sản phẩm robot được giới thiệu tại hội thảo do Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức sáng 1/11. Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Đặng Xuân Ba, Giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nói sản phẩm là kết quả sự phối hợp ba bên là Trung tâm robot thông minh của Trường với vai trò nghiên cứu, doanh nghiệp với vai trò gia công và bệnh viện là đơn vị sử dụng.

Robot có chức năng dẫn đường bệnh nhân tới các khoa, phòng cần đến với công nghệ quét bản đồ thông qua cảm biến lidar. Toàn bộ không gian bệnh viện được quét, đánh dấu và lưu vị trí trên phần mềm. Robot sẽ tự xác định đường đi, tránh các vật cản và phát thông báo nhường đường bằng âm thanh.

Lê Hữu Nhiệm, sinh viên năm 4 ngành cơ điện tử, cho biết quá trình quét bản đồ cho robot khó khăn và mất nhiều thời gian nhất. Lý do, robot phải xác định vị trí của nó trong bản đồ và thiết lập đường đi thuận lợi, nhanh nhất. Ngoài ra, khi quét bản đồ, cần xác định loại vật cản tĩnh và vật cản động. Vật cản động, tức một người nào đó đang đứng vị trí này, nhưng sau đó rời đi, robot hiểu nhầm là vật cản tĩnh, tạo ra hành trình không tối ưu. Do đó, sau quá trình quét bản đồ, nhóm phải xác định lại một lần nữa loại vật cản để robot không bị nhầm.

Robot được nhóm xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) với nguồn dữ liệu từ bệnh viện. Thông tin về bác sĩ, khoa phòng, lịch khám... được cập nhật vào bộ dữ liệu. Bệnh nhân ra lệnh bằng giọng nói về nhu cầu thông tin, robot sẽ trả lời bằng âm thanh. Robot cũng có thể trả lời mọi lĩnh vực nhờ được huấn luyện bởi mô hình AI cho phép truy xuất thông tin từ Internet.

Nhiệm cho biết, với những dữ liệu từ bệnh viện robot có thể trả lời ngay. Các thông tin hỏi bên ngoài, robot cần một bước xác nhận lại câu hỏi để nhận biết nó đã hiểu đúng thông tin và sau khoảng vài giây sẽ trả lời. "Việc thêm một bước xác nhận lại thông tin giúp robot trả lời chính xác nhu cầu bệnh nhân hơn", Nhiệm nói.

Robot có thể ứng dụng điểm danh nhân viên y tế nhờ tính năng nhận diện khuôn mặt thông qua camera trên đầu. Phía sau lưng robot được gắn thêm camera giúp người quản lý theo dõi hoạt động khu vực mong muốn, trong những trường hợp cần thiết. Robot di chuyển bằng bốn bánh xe, trong đó có hai bánh điều hướng và chỉ đi được trên địa hình bằng phẳng. Theo nhóm nghiên cứu, với địa hình gồ ghề hoặc nếu chạy tốc độ quá nhanh, robot dễ bị đổ do chiều cao gần bằng người trưởng thành.

"Đầu não" điều khiển toàn bộ hoạt động của robot là phần mềm mã nguồn mở có tên Robot Operating System (ROS) được nhiều nhà sáng chế sử dụng cho việc thiết kế, phát triển, kiểm tra và điều khiển robot. Theo TS Đặng Xuân Ba, phần mềm này có chức năng như một hệ điều hành kết nối, xử lý tín hiệu, dữ liệu từ các bộ phận robot và người quản lý hoàn toàn có thể tùy biến, điều chỉnh hoạt động. "Để đánh giá chất lượng một sản phẩm robot phụ thuộc vào tính ổn định khi hoạt động và tần suất phát sinh lỗi của nó. Robot của nhóm cơ bản đạt được tiêu chí này", TS Ba nói.

Theo nhóm nghiên cứu, robot có thể thiết kế hoạt động thay nhân viên y tế trong môi trường lây nhiễm, dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho con người. Robot cũng có thể ứng dụng làm nhân viên phục vụ trong nhà hàng, người trò chuyện với người già giúp họ giải trí...

Giao diện các chức năng của robot. Ảnh: Hà An

Giao diện các chức năng của robot.

Dự kiến giá sản phẩm khoảng 80 triệu đồng (sản phẩm nhập ngoại khoảng 150 - 200 triệu đồng). Robot có thể hoạt động trong bốn giờ, thời gian sạc một giờ, với hai công nghệ sạc tự động và thủ công.

Ông Hoàng Dũng, chuyên gia tư vấn công nghệ cho biết, sản phẩm có giá 80 triệu đồng ở mức vừa phải, có thể chấp nhận khi thương mại hóa. Tuy nhiên, ông cho rằng việc phát triển ngoại hình robot cần được tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo.

Chuyên gia cho rằng, robot là người giao tiếp con người nên khuôn mặt, biểu cảm cần được đầu tư, mặc dù đây là khâu tốn rất nhiều chi phí. Giai đoạn trước mắt, ông cho rằng nhóm cần phát triển cánh tay robot có thể cầm nắm, ấn nút. Chân robot cũng được thiết kế linh hoạt hơn với khả năng leo bậc thang, đi địa hình gồ ghề... "Như vậy cơ hội thương mại hóa, ra thị trường cao hơn", ông Dũng nói.

Ông Huỳnh Văn Tài, đại diện công ty VNPay góp ý, robot khi hoạt động trong nhà hàng với vai trò phục vụ có thể tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến, giúp tiết giảm thêm công việc nhân viên.

Theo vnexpress.net