Thứ 7, 23/11/2024, 09:49[GMT+7]

Điều kiện để drone, xe tự hành thử nghiệm tại TP HCM

Thứ 7, 16/11/2024 | 17:33:28
327 lượt xem
Chính quyền thành phố cho phép thử nghiệm phương tiện bay không người lái tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), xe tự hành tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung và SHTP.

Drone được thử nghiệm hoạt động trong Khu công nghệ cao TP HCM năm 2022.

HĐND TP HCM hôm 14/11 biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung.

Theo Nghị quyết này, để triển khai, cơ sở thử nghiệm phải có hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ. Tổ chức tham gia thử nghiệm là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, đang hoạt động trong Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung tại thành phố.

Tổ chức tham gia phải đáp ứng các điều kiện về nguồn lực kỹ thuật, nhân lực, tài chính nhằm bảo đảm kiểm soát được quá trình, môi trường thử nghiệm. Giải pháp công nghệ mới liên quan đến phương tiện bay không người lái và xe tự hành được lựa chọn để hỗ trợ thử nghiệm phải có tính mới, tính sáng tạo, khả thi, không gây hại môi trường và con người. Sản phẩm thử nghiệm có khả năng triển khai, áp dụng thực tiễn, đảm bảo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn và bảo mật thông tin.

Với drone cần đạt các yêu cầu kỹ thuật về sải cánh: 0,4 - 1,57 m, thân dài 0,2 - 1,57 m, cao 0,1 - 0,715 m, trọng lượng cất cánh tối đa 70 kg.

Drone thử nghiệm có tốc độ bay tối đa 100 km/giờ, tốc độ bay lên và xuống tối đa 60 km/giờ, tốc độ bay hành trình 80 km/giờ, độ cao bay tối đa dưới 200 m.

Với xe tự hành muốn thử nghiệm phải có tốc độ tối đa không quá 20 km mỗi giờ.

Cả hai loại drone và xe tự hành khi thử nghiệm phải có bán kính hoạt động trong khu vực thử nghiệm. Các thiết bị thông tin, thiết bị dẫn đường, giám sát bay phải được lưu lại tự động (hộp đen) phục vụ trích xuất khi có yêu cầu.

Thời gian thử nghiệm quy định từ 7h - 17h mỗi ngày, với điều kiện thời tiết không mưa hoặc mưa nhẹ, tốc độ gió không quá 10 m/s.

Về điều khiển phải có tối thiểu một người có kinh nghiệm vận hành, xử lý khi thử nghiệm drone, xe tự hành.

Drone và xe tự hành được thành phố hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát để ứng dụng trong một số lĩnh vực: như an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn; logistics, vận tải hành khách; nông nghiệp công nghệ cao; môi trường; nghệ thuật...

Tổ chức, cá nhân được miễn các giấy phép khác liên quan đến quá trình thử nghiệm có kiểm soát thuộc thẩm quyền cấp phép của TP HCM. Các sản phẩm thử nghiệm được thành phố hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu nếu có theo quy định tại Nghị quyết số 26 ban hành năm 2022 của HĐND TP HCM.

Thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất như hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP HCM phục vụ cho việc thử nghiệm có kiểm soát phương tiện bay không người lái và xe tự hành.

TS Đặng Xuân Ba, Giám đốc Trung tâm robot thông minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đánh giá, chủ trương của thành phố cho phép thử nghiệm drone, xe tự hành sẽ giúp các nhà nghiên cứu thuận lợi hơn trong sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.

Ông lấy dẫn chứng, trước đây khi muốn thử nghiệm drone phải làm từng bước như thử khả năng nâng từ vài chục cm, lên 1 - 2 m. Khi thử nghiệm độ cao 8 - 10 m, nhóm nghiên cứu phải tìm nơi trống trải, không có người ở. Nhiều lần, TS Ba cùng đồng sự phải đi các địa phương như Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng... để thử nghiệm hoạt động drone, tốn nhiều chi phí, công sức và thời gian. "Thành phố quy định các khu vực thử nghiệm cụ thể sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho nhóm nghiên cứu về drone tiết kiệm chi phí', TS Ba nói.

Về các yêu cầu kỹ thuật thành phố đưa ra, TS Xuân Ba đánh giá đây là các quy định phù hợp ở bình diện trong nước. Ông cho rằng, với trình độ nghiên cứu hiện tại, các drone chế tạo trong nước thường nằm trong khoảng tiêu chuẩn kỹ thuật trên. Việc giới hạn các yêu cầu này sẽ phù hợp cho hoạt động thử nghiệm drone trong một vài năm tới. "Khi trình độ nghiên cứu trong nước được nâng lên thì có thể mở rộng thêm các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với bối cảnh mới", TS Xuân Ba đánh giá.

Với các quy trình, thủ tục đăng ký thử nghiệm, ông kiến nghị cơ quan chức năng phối hợp với đội ngũ chuyên gia xây dựng bộ tiêu chí, các kịch bản xử lý tình huống đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành thử nghiệm. Lý do trong quá trình bay sẽ "luôn có rủi ro xảy ra". Do đó khi có các kịch bản với tình huống xử lý cụ thể, rõ ràng giúp cơ quan quản lý, người điều khiển thiết bị có thể "ứng phó với mọi trường hợp, đảm bảo yếu tố an toàn", ông nói.

Theo vnexpress.net