Thứ 7, 30/11/2024, 23:30[GMT+7]

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt đang phát triển thế nào?

Thứ 7, 30/11/2024 | 17:30:14
222 lượt xem
Tận dụng sức sáng tạo của trí thức Việt ở nước ngoài, thanh thiếu niên, phụ nữ… các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang được nhiều cơ quan chung tay phát triển.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh (giữa) điều phối diễn đàn "'Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" trong khuôn khổ Techfest 2024, chiều 27/11.

Tại diễn đàn "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest), tổ chức tại Hải Phòng hôm 27/11 đại diện các Bộ ngành, chia sẻ nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Với vai trò kết nối lực lượng trí thức kiều bào, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình, cho biết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng hơn 6 triệu người, trong đó hơn 10% là trí thức. Nhiều người thành danh trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, sinh học, vật liệu mới... Vì vậy "việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với các chuyên gia, cố vấn từ kiều bào là cần thiết để Việt Nam cập nhật các xu hướng công nghệ và mô hình phát triển mới", ông Bình nói.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, hơn 10 năm qua Bộ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức nhiều sự kiện hiện thực hóa chủ trương, chính sách tranh thủ nguồn lực bên ngoài, trong đó có nguồn lực trí thức từ kiều bào nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ Hội được Chính phủ giao thực hiện đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Mục tiêu nâng cao nhận thức về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Trong 7 năm thực hiện đề án, một trong những thành tựu nổi bật là phụ nữ được đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, phục vụ kinh doanh, bán hàng. Điều này được minh chứng bằng các sản phẩm do phụ nữ tạo ra, có doanh số bán hàng trên các nền tảng xuyên biên giới tăng 30%, so với thời điểm trước khi triển khai dự án 939.

Theo bà Phương, đề án 939 đã phát hiện hỗ trợ bồi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp biến ý tưởng thành hiện thực bằng việc thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo nhiều hơn.

Đề cập vai trò học sinh, sinh viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Trần Nam Tú, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Đề án 1665 hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, ban hành năm 2017. Đến nay các trường đại học đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên. Có 75% trường đại học hình thành không gian đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển ý tưởng, thực hiện các dự án.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thời gian tới tập trung ưu tiên các nghiên cứu liên quan lĩnh vực như công nghệ số, năng lượng sạch, vật liệu mới, kinh tế số... Cùng với đó Bộ sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học, hình thành ý tưởng sáng tạo và thực hiện hoạt động khởi nghiệp sau này.

Đối với vai trò thanh niên trong khởi nghiệp, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Nguyễn Tường Lâm, cho biết năm 2022 Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với mục tiêu thúc đẩy khát vọng, ước mơ và năng lực khởi nghiệp thanh niên. Đến nay chương trình hỗ trợ 1.200 dự án khởi nghiệp tiếp cận 675 tỷ đồng hỗ trợ.

Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ kết quả hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp phụ nữ tại diễn đàn. Ảnh: BTC

Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ kết quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại diễn đàn.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc trung tâm ĐMST Quốc gia, Bộ Kế hoạch Đầu tư (NIC), trong 5 năm phát triển đã xây dựng được hệ thống đối tác gồm các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. NIC đã khánh thành 2 cơ sở tại Hòa Lạc và trung tâm Hà Nội cung cấp không gian và thiết bị cho các thành tố hệ sinh thái có thể hoạt động. Đây có thể coi là hệ sinh thái thu nhỏ hỗ trợ startup kết nối quỹ đầu tư, sử dụng thiết bị dùng chung...

NIC hiện tập trung vào 9 công nghệ trọng tâm, hỗ trợ một số lĩnh vực quan trọng như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Để phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này, ông Huy nói đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các doanh nghiệp bán dẫn trên thế giới xây dựng các chương trình dạy học, cung cấp các công cụ cho việc đào tạo bán dẫn tại các đại học và cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Đại diện NIC mong muốn đồng hành các bộ ngành, tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng tâm thực hiện theo tinh thần "hệ thống khởi nghiệp sáng tạo hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo tại Việt Nam".

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có những bước phát triển và đang chuyển sang giai đoạn mở rộng. Do vậy, các thành phần trong hệ sinh thái cần có sự điều chỉnh so với giai đoạn trước, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong xây dựng chính sách và sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Ông cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục sứ mệnh xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Quốc gia. Bộ sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, của Thủ tướng để hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách nhằm hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ...

Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (starup), 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cùng hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Theo vnexpress.net