Thứ 6, 04/04/2025, 06:51[GMT+7]

Để doanh nghiệp yên tâm khởi nghiệp và đầu tư phát triển trong lĩnh vực khoa học, công nghệ

Thứ 4, 02/04/2025 | 08:58:08
647 lượt xem
Trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học, công nghệ, doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất và tạo ra những giá trị bền vững. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trở thành mối đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. Câu chuyện của Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang (xã Lô Giang, huyện Đông Hưng) là một ví dụ điển hình.

Chế tạo máy cấy tại Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang.

Hành trình khởi nghiệp đầy chông gai

Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang là một trong ít doanh nghiệp khoa học, công nghệ tại Thái Bình với hoạt động nghiên cứu và sản xuất máy cấy phục vụ phát triển nông nghiệp. Từ năm 2014, ông Phạm Văn Lang, Giám đốc Công ty bắt đầu triển khai thực hiện ý tưởng thiết kế, sản xuất máy cấy tự động. Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu thử nghiệm, Công ty chính thức ra mắt thị trường chiếc máy cấy hoàn chỉnh đầu tiên. Ông Lang cho biết: Dù nắm vững nguyên lý hoạt động và lý thuyết về cơ khí, nhưng phải trải qua hàng trăm lần thất bại, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng mua nguyên liệu, thiết bị, máy móc phục vụ nghiên cứu, chế tạo, đến năm 2019 tôi mới hoàn thành việc chế tạo chiếc máy cấy của riêng mình mang thương hiệu Văn Lang. Tuy có sản phẩm đạt chất lượng tốt nhưng để thị trường biết đến Công ty cũng phải mất gần 1 năm với không ít chi phí cho hoạt động trình diễn, quảng bá, tiếp thị đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Sản phẩm máy cấy của Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang được thị trường đón nhận, bà con nông dân đánh giá cao nhờ vào chất lượng và tính đột phá, hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn. Không hài lòng với thành quả đạt được, hàng năm Công ty tiếp tục nghiên cứu cải tiến kỹ thuật cả về cấu tạo và tính chất công năng nhằm đưa ra thị trường những phiên bản máy cấy tốt hơn, đáp ứng mọi nhu cầu của bà con nông dân không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Chính vì vậy, máy cấy Văn Lang có mặt ở khắp các địa phương trong cả nước và xuất khẩu đi các nước Philippines, Malaysia, Myanmar, Bangladesh.

Đối mặt với thách thức và tranh chấp

Mặc dù khởi nghiệp thành công từ lĩnh vực khoa học, công nghệ nhưng Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang chưa kịp hưởng thụ trái ngọt đã nếm phải trái đắng do nạn gian lận, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông Lang cho biết: Năm 2021, chúng tôi phát hiện máy cấy của mình bị Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Huyền Chinh (xã Lô Giang, huyện Đông Hưng) làm nhái và xâm phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ đã được nhà nước bảo hộ. Chúng tôi đã rất vất vả, tốn kém để chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng, đồng thời có đơn trình báo tới các cơ quan chức năng với mong muốn được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Theo yêu cầu giám định của Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang, ngày 14/6/2022, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức giám định và có kết luận: Tất cả các đặc điểm kỹ thuật của sáng chế và đối tượng bị xem xét đều trùng nhau, cụ thể là chức năng của máy, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các bộ phận chính như tay kéo, động cơ, hai bánh xe, giá/khay mạ, cơ cấu lấy mạ và cấy, cơ cấu dẫn động lấy mạ và cấy mạ, cơ cấu dẫn động bánh xe.

Ngày 7/2/2023, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình đã thanh tra, kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 03/QĐ-XPHC đối với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Huyền Chinh vì có hành vi vi phạm hành chính, sản xuất sản phẩm máy cấy lúa HN-17 xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích được bảo hộ theo bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2929 của ông Phạm Văn Lang. Hình thức xử phạt chính là phạt tiền 60 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm trên sản phẩm máy cấy HN-17.

Trước tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn, Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang đã đưa vụ việc ra tòa án. Thụ lý, xét xử vụ án, ngày 28/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên xử: Xác định Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Huyền Chinh có hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế theo bằng độc quyền sáng chế 20596, xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích được bảo hộ theo bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2929 của tác giả Phạm Văn Lang. Buộc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Huyền Chinh chấm dứt hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu đối với sáng chế máy cấy lúa và máy cấy kéo tay liên hoàn được bảo hộ bằng độc quyền sáng chế 20596, bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2929. Buộc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Huyền Chinh bồi thường những thiệt hại thực tế cho ông Phạm Văn Lang 312.345.000 đồng.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc và bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã có hiệu lực nhưng việc thực thi chưa kịp thời, khiến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Với vẻ mặt mệt mỏi, chán nản, ông Lang cho biết: Trước đây, mỗi năm Công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 2.000 máy cấy, đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng và xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Tuy nhiên, từ khi sản phẩm bị làm nhái, công nghệ bị sao chép trái phép, doanh thu sụt giảm 30% theo các năm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của 30 cán bộ, công nhân. Quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp không được bảo vệ, trong khi vi phạm pháp luật ngang nhiên tồn tại, khiến chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khoa học, công nghệ khác lo lắng, nản lòng, không dám đầu tư vào nghiên cứu tiếp theo.

Cần cơ chế bảo vệ

Đảng, Nhà nước ta đã xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nhanh chóng và quyết liệt các hành vi vi phạm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Việc chậm thực thi các bản án liên quan đến sở hữu trí tuệ không chỉ làm mất đi động lực sáng tạo mà còn gây tổn hại đến sự phát triển của nền kinh tế số và khoa học, công nghệ, làm thui chột phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của tỉnh.

Công ty TNHH Máy cấy Văn Lang nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.

Khắc Duẩn