Thứ 3, 20/05/2025, 22:55[GMT+7]

Bể chứa nước dưới lòng đất lớn nhất thế giới

Thứ 3, 20/05/2025 | 17:27:52
307 lượt xem
Kênh thoát nước ngầm dưới thành phố Kasukabe, có thể chứa lượng nước lũ tương đương 268 bể bơi Olympic được mệnh danh bể chứa "lớn nhất thế giới".

Một trong 5 trục đứng của Kênh thoát nước ngầm bên ngoài khu vực đô thị.

Theo Interesting Engineering, hệ thống bảo vệ chống lũ ngầm lớn nhất thế giới là một bể chứa nước lũ khổng lồ dưới lòng đất nhằm bảo vệ Tokyo khỏi thiên tai. Với tên gọi Kênh thoát nước ngầm bên ngoài khu vực đô thị, cơ sở này kéo dài hơn 6 km dưới thành phố Kasukabe thuộc tỉnh Saitama, cách Tokyo khoảng 40 km về phía bắc.

Được xây dựng từ năm 1993 đến 2006, công trình kỹ thuật đồ sộ này nằm sâu 50 m, được thiết kế để bảo vệ khu vực khỏi lượng mưa ngày càng tăng cao. Pháo đài ngầm rộng lớn được xây dựng với chi phí hơn một tỷ USD, chuyển hướng nước lũ ra khỏi thành phố thông qua một mạng lưới đường hầm, trục đứng và bể điều chỉnh áp suất được hỗ trợ bởi 59 cột bê tông, mỗi cột cao 18 m.

Với địa hình thấp và dân số đông đúc, thủ đô Nhật Bản ngày càng dễ bị ngập lụt, nguy cơ hiện nay càng trầm trọng bởi tác động gia tăng của biến đổi khí hậu. Mối đe dọa trở nên lớn hơn khi kết hợp với khí hậu của thành phố, với hơn 100 ngày mưa/năm, tổng cộng khoảng 1.600 mm hàng năm.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của thành phố sau Thế chiến II làm tình hình tồi tệ hơn, khi diện tích đất phủ bê tông nhiều hơn, gây áp lực lên hệ thống thoát nước. Theo Asahi, hơn 4,15 triệu cư dân, tương đương 30% dân số thành phố, đang sống ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, đòi hỏi cần có biện pháp phòng chống lũ mạnh mẽ hơn và kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu khí hậu dài hạn.

Để giảm thiểu rủi ro bằng cách thu thập nước tràn từ các sông nhỏ hơn và chuyển hướng đến sông Edo, Nhật Bản đã dành 13 năm xây dựng Kênh thoát nước ngầm bên ngoài khu vực đô thị, có biệt danh "ngôi đền dưới lòng đất". Thường được so sánh với hầm chứa nước cổ đại Basilica Cistern ở Istanbul, cơ sở này đã ngăn chặn hơn một tỷ USD thiệt hại do lũ lụt từ khi đi vào hoạt động, theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Hệ thống được sử dụng khoảng 7 lần/năm, thường trong trận bão hoặc mưa lớn. Năm trục của nó, mỗi trục đủ lớn để chứa tượng Nữ thần Tự do, hoạt động như chiếc phễu, dẫn nước xuống đường hầm rộng 10 m. Từ đó, nước chảy đến bể trung tâm, nơi máy bơm có thể xả nước với tốc độ lên đến 200 tấn/giây.

Theo Real Estate, công trình có thể chứa tới 670.000 m3 nước, tương đương 268 bể bơi Olympic. Dù chưa bao giờ đạt công suất tối đa, cơ sở vẫn sẵn sàng cho những sự kiện lũ lụt cực đoan nhất. Tuy có quy mô lớn, hệ thống không thể bảo vệ toàn bộ Tokyo, chỉ bao phủ 3 quận của thành phố và một phần tỉnh Saitama lân cận.

Theo Nobuyuki Tsuchiya, phó tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bờ sông Nhật Bản, mô hình lũ lụt có thể dự đoán được, giúp chuẩn bị theo mục tiêu trở nên khả thi và cần thiết. Ông nhấn mạnh các thảm họa liên quan đến nước thường là kết quả của quy hoạch và phát triển kém thay vì điều kiện tự nhiên. Dù xây dựng để giải quyết vấn đề cụ thể, hệ thống Kasukabe đã trở thành biểu tượng sáng tạo kỹ thuật.

Theo: vnexpress.net