Thứ 2, 18/11/2024, 13:30[GMT+7]

“Nước và Năng lượng” - Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2014

Thứ 6, 14/03/2014 | 09:04:38
1,451 lượt xem
Ngày Nước thế giới năm 2014 có chủ đề “Nước và Năng lượng” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và người dân về mối quan hệ tương tác giữa nước và năng lượng; thúc đẩy đối thoại chính sách để tìm kiếm biện pháp quản lý giúp bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu của con người thông qua khai thác bền vững tài nguyên nước, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng xanh.

Đoàn thanh niên Thành phố Thái Bình tham gia khơi thông dòng chảy

Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động xây dựng chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.

Ngày Nước thế giới năm 2014 có chủ đề “Nước và Năng lượng” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và người dân về mối quan hệ tương tác giữa nước và năng lượng; thúc đẩy đối thoại chính sách để tìm kiếm biện pháp quản lý giúp bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu của con người thông qua khai thác bền vững tài nguyên nước, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng xanh. Ngoài ra, đây còn là cơ hội giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến, mô hình, giải pháp để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan.

Nước và năng lượng có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Các nguồn tạo ra và truyền tải năng lượng đều phải sử dụng đến tài nguyên nước, đặc biệt là năng lượng thủy điện, hạt nhân và nhiệt điện. Nước là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, ở đâu có nước ở đó có sự sống; bảo vệ nguồn nước là bảo vệ bản thân, xã hội và giống nòi nhân loại. Còn năng lượng cũng là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Vì vậy, an ninh năng lượng được coi là “chìa khóa” để các quốc gia tránh được nguy cơ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào vấn đề năng lượng và đáp ứng được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của cộng đồng quốc tế. Trong đời sống sinh hoạt của con người không thể không có nước và năng lượng.

Mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam rất đa dạng và phong phú nhưng lại bị khai thác và sử dụng thiếu bền vững. Tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất và lượng. Việc áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật cũng như quản lý chưa thực sự có hiệu quả, trong khi chưa khai thác được các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo thay thế. Tại nhiều nơi, tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán… đang ở mức báo động. Chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy con người đến gần các rủi ro nguy hiểm. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có tài nguyên nước loại trung bình trên thế giới nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Trước thực trạng đó, việc sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên nước và năng lượng ở nước ta được đặt ra như một cảnh báo cho mục tiêu phát triển bền vững.

Cán bộ Hội Phụ nữ và Ðiện lực Thành phố tuyên truyền tiết kiệm điện cho người dân.

Quá trình đô thị hóa ở Thái Bình đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư tập trung phát triển nhanh. Tuy nhiên việc lồng ghép quản lý môi trường, sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước vào quy hoạch phát triển đô thị chưa được chú trọng. Sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhận thức về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước và năng lượng của các cấp chính quyền và cộng đồng còn thấp; thay đổi thói quen ăn uống, sử dụng lãng phí gây ra những áp lực ngày càng lớn tới tài nguyên nước và năng lượng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp đến nguồn nước, đặc biệt là nước sạch.

Thái Bình là tỉnh có nguồn nước tương đối lớn, với 3 mặt giáp sông (sông Hồng, sông Trà Lý, sông Hóa, sông Luộc), một mặt giáp biển, trữ lượng nguồn tài nguyên nước mặt của Thái Bình cũng khá dồi dào, với hơn 80% phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, 18% nuôi trồng thủy sản, còn lại là sinh hoạt và công nghiệp. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định thời gian qua đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cùng với đó nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng lên nhanh chóng. Do đó nguồn tài nguyên năng lượng đang ngày càng cạn kiệt.

Trước nguy cơ khủng hoảng về năng lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015”; công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chung tay sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các tổ chức đoàn thể, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp tập huấn, phát tài liệu, tờ rơi phổ biến cách thức sử dụng tiết kiệm năng lượng cho các gia đình và tập thể. Đây là những hành động thiết thực mang lại hiệu quả lớn trong hành động tiết kiệm năng lượng.

 Minh Nguyệt

  • Từ khóa