Thứ 4, 13/11/2024, 05:21[GMT+7]

Vượt mốc 100 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu

Thứ 3, 26/01/2021 | 07:58:49
1,845 lượt xem
Chỉ trong 24h qua, toàn cầu phát hiện thêm hơn 350 nghìn ca mắc mới và hơn 7,5 nghìn ca tử vong vì COVID-19.

Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 16/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lúc này lên hơn 100 triệu ca, trong đó đã có 2,1 triệu ca tử vong. Mỹ, Ấn Độ, và Brazil vẫn là những quốc gia đang hứng chịu hậu quả nặng nề nhất vì dịch.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu tăng cường kiểm tra phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ăn tập thể; khuyến khích người lao động tại các khu vực xung quanh Bắc Kinh làm việc tại nhà.

Trong khi đó, Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa áp dụng đối với khu vực nhà chung cư đông dân tại khu vực Jordan ở Kowloon sau khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho khoảng 7.000 cư dân tại đây và phát hiện 13 ca nhiễm. Tính đến nay vùng lãnh thổ này ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm, trong đó có 170 ca tử vong.

Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2 tới và đặt mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số vào tháng 9 năm nay. Với tiến độ đề ra này, Hàn Quốc dự tính có thể đạt "miễn dịch cộng đồng" vào tháng 11/2021.

Tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội Y học nước này Toshio Nakagawa cho rằng rất khó để Nhật Bản tiếp đón người nước ngoài tới tham dự Olympic và Paralympic Tokyo trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Cảnh báo hệ thống y tế đang sụp đổ ở nhiều khu vực do số ca nhiễm mới gia tăng, ông Nakagawa bày tỏ quan ngại số bệnh nhân COVID-19 sẽ tăng hơn nữa nếu Thế vận hội Tokyo vẫn diễn ra theo kế hoạch. Hiện dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Nhật Bản bất chấp việc chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 trong tổng số 47 tỉnh, thành.

Vượt mốc 100 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 1.

Người dân tại một trạm tàu điện ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Thái Lan công bố chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2 tới, theo đó nước này sẽ phân phối 50.000 liều vaccine của AstraZeneca cho những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Lực lượng nhân viên y tế tại tỉnh Samut Sakhon - tâm dịch bùng phát mới nhất ở nước này - sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, tiếp sau là người cao tuổi và người có bệnh nền. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 13.687 ca mắc COVID-19, trong đó có 75 ca tử vong.

Chính phủ Australia thông báo sẽ tạm hoãn áp dụng miễn cách ly đối với những du khách New Zealand nhập cảnh vào nước này trong vòng 72 giờ do lo ngại về biến thể của virus phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức, theo đó tất cả người nhập cảnh Australia từ New Zealand trong 72 giờ tới sẽ phải cách ly bắt buộc, trong khi những người đã nhập cảnh từ ngày 14/1 sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính với COVID-19.

Tại châu Âu, Nga ghi nhận 19.290 ca mắc mới, mức thấp nhất kể từ ngày 3/11/2020. Tổng cộng, Nga đã ghi nhận 3.738.690 người nhiễm COVID-19. Số người khỏi bệnh tính đến sáng 25/1 là 19.003 người, nâng tổng số người khỏi bệnh lên là 3.150.763 người, chiếm 84,3% tổng số những người nhiễm bệnh. Số ca tử vong do COVID-19 ở Nga trong ngày qua là 456 ca, đưa tổng số người tử vong lên 69.918 người. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tình hình dịch bệnh tại nước này đã ổn định cho phép có thể thận trọng loại bỏ các hạn chế đã áp đặt.

Vượt mốc 100 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 2.

Nhiều nước châu Âu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang y tế. Ảnh: AP

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ nước này đang xem xét thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới vì lo ngại nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus có khả năng vô hiệu hóa vaccine phòng bệnh. Hiện số ca tử vong vì dịch bệnh tại Anh đã gần tới mức 100.000 ca. Dù số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng giảm từ đầu tháng 1, nhưng Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho rằng tỷ lệ lây nhiễm cần phải giảm thêm nữa mới đủ an toàn.

Pháp ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng mạnh với 493 trường hợp, cao nhất kể từ giữa tháng 11/2020 đến nay, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong bệnh viện lên 26.393 người. Số bệnh nhân điều trị trong khu điều trị tích cực cũng tăng 69 trường hợp, lên 2.965 người. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, nước Pháp ghi nhận 18.436 ca mắc mới trong 24 giờ qua, thấp hơn so với 23.924 ca của ngày trước đó. Giới chuyên gia y tế nhận định nhiều khả năng Pháp sẽ thực thi lệnh phong tỏa thứ ba, sớm nhất vào kỳ nghỉ Đông, bắt đầu từ đầu tháng 2 tới.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết cơ quan này đang tăng cường nỗ lực theo dõi các biến thể của virus nhằm đảm bảo rằng vaccine và phương pháp điều trị luôn đi trước các biến thể mới của virus cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Khoảng 1 năm sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, số người Mỹ được xác nhận mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lên tới trên 25 triệu, với gần 430.000 người tử vong.

Theo vtv.vn