Thứ 2, 25/11/2024, 14:42[GMT+7]

Độc đáo tục thi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền

Thứ 3, 09/02/2021 | 18:04:31
15,804 lượt xem
Tháng 11/2020, xã Song An (Vũ Thư) tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vinh danh tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền. Trải qua hơn 600 năm, tục chơi diều sáo đang từng ngày được người dân ở mọi miền đất nước chung tay gìn giữ và phát huy.

Tục thi độc đáo chỉ có ở nơi đây

Vào dịp lễ hội Sáo Đền tháng 3 âm lịch năm 2017, trong cuộc hội ngộ tại nơi đây, bà Lê Thị Thiết, Trưởng ban sáng lập Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam chia sẻ: Đã tham dự nhiều lễ hội diều trên thế giới như tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu,... nhưng chưa có nơi nào có tục thi diều sáo vượt câu liêm độc đáo như ở lễ hội Sáo Đền. Mang niềm tự hào to lớn về một trò thi dân gian chứa đựng trong đó nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử truyền thống, tôi mong mỏi một ngày không xa, tục chơi diều sáo tại Sáo Đền - một trong những cái nôi của diều sáo sẽ được bảo tồn, phát huy và thế hệ trẻ hôm nay thêm hiểu, thêm yêu, thêm gắn bó với trò chơi dân gian thả diều - một thú vui tao nhã mang những nét đặc trưng của hình học.

Tháng 11/2020, người đam mê diều trên mọi miền đất nước nô nức trở về Thái Bình tham dự lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vinh danh tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền, bà Thiết cho biết: Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chắc chắn sẽ diễn ra nhiều hoạt động quảng bá về tục chơi diều sáo tại nơi đây với hy vọng Sáo Đền sẽ trở thành nơi hội ngộ, gặp gỡ, giao lưu của người chơi diều trong và ngoài nước.  

Tục thi diều sáo vượt câu liêm là nét độc đáo chỉ có tại lễ hội Sáo Đền.

Không riêng Sáo Đền có thi thả diều sáo mà có rất nhiều lễ hội trong cả nước có thi diều nhưng đến mức sâu sắc thành lễ tục, thành nghi lễ thiêng liêng, gắn liền với tên tuổi của vị Thành hoàng, của đền Mẫu, được ghi vào sắc phong qua các đời vua thì thật là hiếm. Có rất nhiều truyền thuyết nói về tục chơi này. Văn bia lưu giữ tại Sáo Đền ghi như sau: Tục chơi diều sáo gắn với truyền thuyết bà Ngọc Dao đưa Lê Tư Thành về quê lánh nạn. Để giải sầu, bà thường cho con thi diều với trẻ con trong làng. Một truyền thuyết khác lại cho rằng tục thả diều nhằm tưởng nhớ Quốc công Đinh Lễ. Trong những năm chiến đấu của khởi nghĩa Lam Sơn, ông chỉ huy nghĩa quân đóng quân ở núi Tùng Lĩnh (Hà Tĩnh) kết hợp khai khẩn, trồng cấy ở bờ sông La Giang để tự cấp lương thực. Đinh Lễ đã chỉ dẫn binh lính làm cánh diều cong như vầng trăng khuyết, đục các bộ sáo với kích cỡ khác nhau rồi cùng binh lính thả diều. Khi diều bay lơ lửng trên bầu trời, những âm thanh du dương trầm bổng ấy đem lại cảm giác bình yên, thư thái như ở chốn quê nhà đã giúp binh sĩ thêm yêu quê hương, lấy thêm quyết tâm đánh giặc và quên mọi gian lao, vất vả để cày cấy ruộng hoang. Đây cũng là một ám hiệu chỉ huy quân của Đinh Lễ. Vì thế khi ông được cấp đất thế nghiệp ở An Lão, con cháu họ Đinh tổ chức thi thả diều để tưởng nhớ công lao của ông, dần dần trở thành một tục lệ trong lễ hội Sáo Đền. Dù truyền thuyết nào đúng thì đều có chung một nội dung là tưởng nhớ công lao của tổ họ Đinh làng An Lão và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Nơi gặp gỡ của những niềm đam mê

Theo cổ lệ, để có được cánh diều tham gia trong lễ hội diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân Song An đã phải chuẩn bị rất công phu từ trước đó nhiều tháng trời, thậm chí cả năm. Về cơ bản diều sáo gồm 2 phần chính là diều (vật mang chở) và sáo (vật tạo âm thanh). Điểm khác biệt giữa diều Song An với diều các nơi khác không chỉ về hình dáng diều mà cả về kích thước của con diều. Từ xa xưa, diều ở Song An đã nổi tiếng về độ to, độ dài. Chiếc nhỏ nhất cũng phải 2,5m trở lên, chiếc to phải từ 10 - 12m. Sở dĩ diều phải to như thế thì mới cõng được bộ sáo mà nó mang trên mình. Và chính tiếng sáo trong hội Sáo Đền đã tạo nên một sắc thái văn hóa đặc trưng của trấn Sơn Nam Hạ xưa và cả ngày nay.

Trong lễ hội Sáo Đền diễn ra nhiều nghi lễ độc đáo.

Ở lễ hội Sáo Đền, tục thi diều sáo chỉ có vào ngày đại lễ (ngày 25 tháng 3 âm lịch), ngày mà diều sáo của cả cư dân làng Song An và cả nước đến với hội đền rất đông. Tục thi gắn liền với các nghi lễ linh thiêng mà chỉ ở Sáo Đền mới có và có nhiều thể lệ khắt khe cùng với nội dung phong phú như: thi diều to, sáo đẹp, thi sáo hay và độc đáo nhất là thi thả diều sáo qua câu liêm. Trong buổi chiều ngày 25, nơi đây diễn ra các nghi lễ linh thiêng gắn liền với tục thi thả diều sáo qua câu liêm bao gồm: lễ trình diều, lễ cầu phong, lễ rước Thánh mẫu ngao du sơn thủy và thi thả diều qua câu liêm.

Sau khi phần lễ đã hoàn tất, ở khoảng đất nổi giữa hồ, người ta chôn phần cán của hai chiếc sào bên trên có buộc hai chiếc câu liêm (có hình dáng như chiếc liềm), được mài rất sắc, khoảng cách giữa hai lưỡi câu liêm chỉ từ 0,2 - 0,3m. Cuộc thi này buộc người dự thi phải nhanh nhẹn, có kinh nghiệm và có sự phối hợp ăn ý hài hòa giữa người buông diều và người đâm diều bởi chỉ trong tích tắc là dây diều sẽ mắc phải lưỡi câu liêm, bị cắt đứt dây và rơi xuống. Từ cái khó ấy để thấy được sự chuẩn bị công phu con diều sáo, sự tập luyện nhuần nhuyễn giữa hai người chơi diều. Tất cả những bước ấy tạo nên sự tài hoa của người chơi, tạo nên không khí phấn khởi, hồ hởi của tất cả những người đến tham gia lễ hội.

Lễ hội Sáo Đền nói chung và tục thi diều sáo nói riêng đã trở thành một nét đẹp truyền thống văn hóa, biểu hiện lòng ngưỡng mộ, tôn kính của nhân dân với các bậc thần linh. Trong cuộc thi diều không có sự phân định rõ ràng giữa người trình diễn và người thưởng thức, mọi người cùng sống trong một không khí linh thiêng, hứng khởi, cùng nhau tham gia vào quá trình sáng tạo và trao truyền các giá trị văn hóa cộng đồng. Để từ đó các giá trị văn hóa được bảo lưu và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Minh Đức