Chủ nhật, 24/11/2024, 04:55[GMT+7]

Sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi trâu, bò

Thứ 6, 19/02/2021 | 09:00:38
5,375 lượt xem
Tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh hiện nay ước đạt hơn 57.000 con. Định hướng của tỉnh đến năm 2025, tăng quy mô đàn trâu, bò đạt từ 180.000 con trở lên. Để phát triển đàn trâu, bò, vấn đề then chốt là phải xử lý được chất thải chăn nuôi.

Người chăn nuôi dùng máy đảo trộn đệm lót sinh học để tăng hiệu quả xử lý chất thải.

Thông qua hỗ trợ từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trâu, bò đã tiếp cận và sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Xây dựng trang trại chăn nuôi bò từ năm 2017, gia đình ông Phạm Xuân Khánh ở thôn Hưng Quan, xã Trọng Quan (Đông Hưng) thường xuyên nuôi 70 - 80 con bò sinh sản và bò vỗ béo. Mặc dù diện tích chuồng trại và tiềm năng kinh tế của gia đình có thể đầu tư nuôi tới 200 con nhưng vì chưa xử lý triệt để được số lượng chất thải hàng ngày từ đàn bò đang nuôi nên gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô. 

Ông Khánh cho biết: Trước đây, hàng ngày tôi phải thuê người dọn chất thải với hình thức thu gom thủ công. Tuy nhiên, lượng phân thải ra rất lớn nên có những lúc việc thu gom chưa kịp thời gây mùi khó chịu và phát sinh các côn trùng có hại như ruồi, muỗi. Mỗi khi thu gom chất thải lại phải lùa đàn bò ra khu vực khác và vận chuyển phân thải ra chỗ riêng để xử lý nên mất rất nhiều công sức. Đầu năm 2020, trang trại được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ, hướng dẫn cách sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Từ ngày xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học ngay tại chuồng đã giảm thiểu mùi hôi thối rõ rệt, không phải mất công sức dọn dẹp thường xuyên, đồng thời tạo nguồn phân bón hữu cơ cho diện tích trồng cỏ. Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã giúp tôi trút được gánh nặng khi hàng ngày không phải xử lý lượng phân thải quá lớn, vì vậy tôi đã yên tâm đầu tư tăng số lượng đàn bò lên 150 con.

Cũng là một trong những hộ chăn nuôi bò được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học, gia đình ông Đỗ Văn Chường ở thôn Lộng Khê 5, xã An Khê (Quỳnh Phụ) đã mạnh dạn nhân số lượng đàn bò từ 36 con lên 50 con. 

Ông Chường cho biết: Khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, hàng ngày tôi phải hót phân mang đi ủ, dùng vòi bơm nước xịt rửa chuồng trại nên tốn công sức và phát sinh chi phí điện, nước, chưa kể nền chuồng trơn trượt khiến bò bị ngã, mắc các bệnh về chân, viêm da làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển, sinh sản. Giờ sử dụng đệm lót sinh học không chỉ tiết kiệm chi phí, giảm công lao động mà đàn bò được nuôi trong môi trường bảo đảm nên sinh trưởng thuận lợi. Tùy vào mức độ đào thải của đàn bò mà đệm lót sinh học có thể sử dụng được từ 2 - 4 tháng, hàng ngày tôi chỉ cần dùng máy đảo trộn đệm lót để tăng hiệu quả xử lý chất thải, đệm lót sau đó được thu gom làm phân bón cho cây trồng. Ngoài việc hướng dẫn cách dùng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, Chi cục còn hướng dẫn cách ủ chua thức ăn với men vi sinh để bò tiêu hóa, tăng trọng tốt hơn và giảm mùi hôi của nước giải, phân khi đào thải.

Để phục vụ đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo” trên địa bàn tỉnh, năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng mô hình khuyến nông “Nuôi bò sinh sản sản xuất con giống thương phẩm cao sản có sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi”. Theo đó, Chi cục đã xây dựng 4 mô hình trình diễn với 16 hộ thuộc 11 xã của 5 huyện tham gia. Ngoài hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, Chi cục còn hỗ trợ chế phẩm vi sinh, kỹ thuật làm và sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Kết quả của mô hình đã khẳng định việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi chính là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, tiết kiệm chi phí, giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Mô hình này đang được nhiều chủ cơ sở chăn nuôi đến học tập và nhân rộng, đây chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu, bò nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày