Thứ 6, 15/11/2024, 23:17[GMT+7]

Hơn 112,5 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm mới tại Mỹ giảm 5 tuần liên tiếp

Thứ 4, 24/02/2021 | 08:36:35
2,607 lượt xem
Đến sáng 24/2, thế giới có trên 112,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,49 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. (Ảnh: AP)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 28,8 triệu ca mắc và hơn 514.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 43.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong tại Mỹ đang có xu hướng giảm liên tiếp trong 5 tuần gần đây. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Mỹ có hơn 67.000 ca nhiễm mới, giảm 44% so với 2 tuần trước đó. Dù dịch có giảm, các chuyên gia dịch tễ Mỹ đưa ra cảnh báo rằng, biến thể virus mới có thể khiến kế hoạch kiểm soát dịch bị đình trệ và sớm có thêm một đợt bùng phát. Khoảng 1.700 ca nhiễm biến thể mới đã được ghi nhận tại Mỹ.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 11 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 156.600 trường hợp thiệt mạng. Ngày 23/2, Ấn Độ báo cáo hơn 13.400 người nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới. Hiện Brazil xác nhận trên 10,1 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Hơn 247.200 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Hơn 112,5 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm mới tại Mỹ giảm 5 tuần liên tiếp - Ảnh 1.

Brazil không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 23/2. (Ảnh: AP)

Ngày 23/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã quyết định áp dụng các biện pháp mạnh tay với người nước ngoài vi phạm quy định phòng chống dịch của nước này. Theo đó, khách nước ngoài có thể bị trục xuất và cấm trở lại Campuchia nếu trốn cách ly, xét nghiệm hoặc không phối hợp với nhà chức trách trong việc truy vết để ngăn chặn dịch bệnh. Quyết định trên được đưa ra sau khi 2 trong số 4 người nước ngoài trốn cách ly ở Khách sạn Sokha ở thủ đô Phnom Pênh được cho là F0 gây bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng lần thứ 3 ở Campuchia. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 liên quan đến đợt bùng phát mới này tại Campuchia đã lên tới 99 trường hợp.

Chính phủ Campuchia đã yêu cầu đóng cửa tất cả các bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát tại Phnom Penh và tỉnh Kandal trong 2 tuần để ngăn chặn dịch COVID-19 trong cộng đồng. Ngoài ra, tất cả trường học công lập và tư thục cũng như các trường kỹ thuật và đào tạo nghề ở những khu vực này cũng phải đóng cửa trong 2 tuần, đồng thời thực hiện dạy và học trực tuyến. Tính đến chiều 23/2, 47 địa điểm liên quan đến "Sự kiện lây nhiễm cộng cồng ngày 20/2" ở Campuchia đã tạm thời bị phong tỏa.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc bãi bỏ áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với 6 trong số 10 tỉnh thành hiện nay tại quốc gia này. Đó là các tỉnh Aichi, Gifu, Kyoto, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh ở đây đang được cải thiện rõ rệt. Riêng thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận sẽ phải đợi đến trước ngày 7/3 mới có quyết định. Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này tại cuộc họp với các Bộ trưởng liên quan trong ngày 24/2. Ngày 23/2, Nhật Bản ghi nhận 859 ca mắc COVID mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên hơn 426.400 người, bao gồm trên 7.500 bệnh nhân tử vong.

Hơn 112,5 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm mới tại Mỹ giảm 5 tuần liên tiếp - Ảnh 2.

Nhật Bản đang xem xét bãi bỏ tình trạng khẩn cấp sớm. (Ảnh: AP)

Trung Quốc bắt đầu tiêm chủng miễn phí vaccine COVID-19 cho toàn dân trên cơ sở tự nguyện sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người thuộc các nhóm đối tượng có nguy cơ cao từ trước Tết Nguyên đán. Đi đầu là thành phố Bắc Kinh, địa phương trải qua 3 lần dịch bùng phát nhưng đều khống chế thành công. Tại quận Đại Hưng, thành phố Bắc Kinh, nơi vừa khống chế thành công ổ dịch hồi đầu tháng 2/2021, hơn 420.000 người đã được tiêm chủng chỉ trong hơn 1 tuần.

Người dân đăng ký tiêm bằng cách quét mã sức khỏe QR trên điện thoại và gửi cho bộ phận quản lý dân cư cộng đồng để được sắp xếp lịch. Chi phí tiêm chủng vaccine nội địa do Quỹ bảo hiểm y tế và Chính phủ chi trả. Theo tính toán, mức chi cho vaccine và cả chi phí tiêm trên toàn Trung Quốc là khoảng 325 tỷ USD.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đã nhất trí khởi động chương trình bồi thường cho các trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại 92 nước nghèo trên thế giới, bao gồm các nước nghèo tại châu Phi và Đông Nam Á. Chương trình là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vaccine. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, tránh các vụ kiện pháp lý mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Hồ sơ yêu cầu bồi thường sẽ được tiếp nhận qua cổng điện tử www.covaxclaims.com từ ngày 31/3/2021.

Theo vtv.vn