Thứ 6, 15/11/2024, 09:03[GMT+7]

Hơn 161 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm tại châu Âu tăng 9% trong tuần qua

Thứ 6, 05/03/2021 | 08:38:09
2,449 lượt xem
Đến sáng 5/3, thế giới có trên 116,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 2,57 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 161 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Mỹ tiếp tục là nước ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới với trên 29,5 triệu ca, trong đó có hơn 532.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 47.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 11,1 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 157.500 trường hợp thiệt mạng. Ngày 4/3, Ấn Độ báo cáo hơn 16.800 trường hợp nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 71.500 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc lên hơn 10,79 triệu trường hợp. Đến nay, trên 260.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận những tín hiệu tích cực trong kiểm soát dịch COVID-19, Brazil vẫn tiếp tục trải qua thời gian được đánh giá là nguy hiểm nhất từ khi đại dịch bùng phát tới nay. Đáng chú ý, chính tình trạng dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ đã tạo ra biến chủng virus P1, có tốc độ lây nhiễm và độ nguy hiểm cao hơn. Chuyên gia dịch tễ học cảnh báo, hiện Brazil đang có nguy cơ trở thành nơi khởi nguồn của nhiều biến thể virus mới. Nguyên nhân là vì Brazil có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 3 thế giới. Trong khi đó, các chuyên gia y tế nhận định, mỗi một ca bệnh đều ẩn chứa cơ hội để virus biến chủng ngẫu nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc càng nhiều người nhiễm COVID-19, virus SARS-CoV-2 càng có nhiều cơ hội để tiến hóa.

Hơn 161 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm tại châu Âu tăng 9% trong tuần qua - Ảnh 1.

Hiện Brazil có nguy cơ trở thành nơi khởi nguồn của nhiều biến thể virus mới. (Ảnh: AP)

Theo thông tin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu đưa ra, tại châu lục này, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng 9% trong tuần qua. Tình trạng tăng trở lại xuất hiện ở cả Trung, Đông Âu cũng như ở một số nước Tây Âu. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại sau một vài tuần xuất hiện hy vọng dịch bệnh có thể thuyên giảm. Sự quá tải liên tục đối với các bệnh viện và nhân viên y tế vì thế vẫn chưa được giải quyết. Đại diện WHO kêu gọi, các nước cần nhanh chóng tiêm chủng cho đội ngũ nhân viên trên tuyến đầu chống dịch.

Ngày 4/3, Đức đã nhất trí kéo dài phần lớn lệnh phong tỏa hiện nay cho đến ngày 28/3. Tuy nhiên, lộ trình từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế hiện nay cũng đã được tính tới. Trong cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ hiến các bang nhất trí bắt đầu nới lỏng một số biện pháp từ ngày 8/3 tới. Trong lộ trình 5 bước mở cửa trở lại, các cửa hàng bán lẻ, cơ sở văn hóa, những quán ăn, hàng quán ngoài trời, nhà hát, rạp chiếu phim... sẽ từng bước được mở cửa.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Merkel, nước Đức "đang đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn mới" trong đại dịch COVID-19. Dù Đức đã đạt được nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống đại dịch trong những tháng qua nhưng vẫn cần hết sức cẩn trọng trong thời gian tới, đặc biệt với sự bùng phát mạnh của các biến thể mới. Chính quyền trung ương và địa phương đã nhất trí mở rộng các cơ sở tiêm chủng tới cả các phòng khám từ đầu tháng 4. Ngoài ra, việc xét nghiệm nhanh miễn phí cũng sẽ được bắt đầu triển khai từ đầu tuần tới.

Hơn 161 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm tại châu Âu tăng 9% trong tuần qua - Ảnh 2.

Đức đang xem xét lộ trình từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế hiện nay. (Ảnh: AP)

Hungary đã ghi nhận số trường hợp nhiễm mới hàng ngày cao nhất ở nước này trong 3 tháng gần đây với trên 6.200 ca mắc mới COVID-19 chỉ trong vòng 24 giờ qua. Số ca tử vong do COVID-19 tại Hungary cũng tăng đột biến, lên hơn 150 ca. Hungary vẫn duy trì các biện pháp giới nghiêm ban đêm, cấm nhà hàng, khách sạn hoạt động, cấm các sự kiện tập trung đông người và học sinh cấp 2 chuyển sang học trực tuyến. Hungary đã triển khai tiêm chủng với vaccine Sputnik V của Nga và vaccine Sinofarm của Trung Quốc, mặc dù cả 2 loại vaccine này đều chưa được EU phê duyệt sử dụng. Hiện Hungary ghi nhận hơn 446.100 người nhiễm COVID-19 và trên 15.400 bệnh nhân thiệt mạng vì bệnh dịch này.

Sau khi tiếp nhận hơn 300.000 liều vaccine AstraZeneca cách đây 2 ngày, ngày 4/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng phu nhân đã tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19. Vacine AstraZeneca là lô vaccine đầu tiên mà COVAX cung cấp cho Campuchia với số lượng là 324.000 liều. Ngoài Thủ tướng Hun Sen và phu nhân, còn có rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Campuchia có độ tuổi từ 60 trở lên đã đến tiêm vaccine.Cách đây hơn 1 tháng, Campuchia đã nhận được viện trợ 600.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, nhưng vaccine này chỉ tiêm cho người dân trong độ tuổi dưới 59. 

Ngày 4/3, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 32 người lây nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc bệnh tại quốc gia này lên 909 trường hợp.

Malaysia sẽ cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thông minh cho những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Adham Baba thông tin tới báo chí. Theo ông Adham Baba, giấy chứng nhận sẽ được cấp trong vòng một tháng tới. Trong lúc này, Malaysia đang thảo luận với Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Malaysia bắt đầu giai đoạn đầu của chương trình quốc gia tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 24/2, tập trung vào nhóm đối tượng là những người làm việc tại tuyến đầu. Theo ông Baba, hiện chỉ các bệnh viện công mới cung cấp miễn phí vaccine ngừa COVID-19, trong khi Chính phủ nước này đang thảo luận về việc cung cấp vaccine cho các bệnh viện tư nhân, có thể được bắt đầu được thực hiện vào giai đoạn 2 của chương trình dự kiến được triển khai vào tháng 4/2021.

Theo vtv.vn