Chủ nhật, 10/11/2024, 05:46[GMT+7]

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ngoại trưởng cùng công du châu Á

Thứ 3, 16/03/2021 | 08:19:43
2,924 lượt xem
Chuyến công tác nước ngoài lần đầu của 2 quan chức hàng đầu Chính phủ Mỹ cho thấy thông điệp mà chính quyền Tổng thống Mỹ muốn gửi đến khu vực châu Á-TBD.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của hai bộ trưởng Mỹ đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh KCNA/Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ngày 15/3 đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài trực tiếp đầu tiên, với điểm đến là hai quốc gia Đông Bắc Á - Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đẩy mạnh quan hệ với các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương

Hoạt động đáng chú ý nhất trong chuyến công du của người đứng đầu bộ quốc phòng và ngoại giao Mỹ là cuộc gặp 2+2 với hai người đồng cấp Nhật Bản trong ngày 16-17/3 và cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Hàn Quốc ngay sau đó, trong ngày 17-18/3.

Trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến công tác của 2 bộ trưởng nước này sẽ "tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc củng cố các liên minh và nhấn mạnh vào sự hợp tác, từ đó giúp thúc đẩy hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới".

Còn từ phía Lầu Năm Góc, chuyến công du của ông Blinken và Austin được khẳng định là tập trung vào mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Á, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; củng cố cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở - trên nền tảng tôn trọng các quy định, luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ngoại trưởng cùng công du châu Á - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xuất phát đi Nhật Bản từ Haiwaii, nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Trước khi lên máy bay, ông Austin cho biết, chuyến đi lần này sẽ là để lắng nghe và học hỏi. Mỹ muốn hiểu xem các đồng minh đánh giá tình hình khu vực ra sao, dưới góc nhìn là nhằm tăng cường sự ổn định của khu vực này.

Vai trò của Nhật Bản trong chính sách của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương là gì?

Các nhà quan sát nhận định, Nhật Bản luôn nằm vị trí trọng tâm trong chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điều này sẽ không thay đổi dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nhật Bản cũng đồng thời là nước có vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á trước sự vươn lên của Trung Quốc, đặc biệt vào thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đề cao việc hình thành một liên minh quốc tế nhằm đảm bảo an ninh khu vực và tạo thành hệ thống sản xuất cạnh tranh với vị thế của Trung Quốc ngày nay. Với những lý do trên, có thể nói quan hệ giữa hai bên vẫn sẽ chặt chẽ và gắn kết trong những năm sắp tới.

Những vấn đề nổi cộm nhất mà các đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ quan tâm trong các cuộc họp lần này là gì?

Điều mà Nhật Bản và các nước Đông Bắc Á đặc biệt quan tâm là Mỹ sẽ có chính sách cụ thể gì để phục hồi quan hệ đồng minh lâu đời vốn đã bị ảnh hưởng ít nhiều thời cựu Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là các chi phí liên quan đến việc duy trì lực lượng quân đội Mỹ tại châu Á.

Điều đáng chú ý thứ hai là khối liên minh đối trọng với Trung Quốc mà Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến sẽ được triển khai như thế nào, trong đó có cả hệ thống cung ứng - sản xuất giữa các nước thành viên cũng như khả năng duy trì sức ép an ninh trên biển Đông và biển Hoa Đông. Liệu Mỹ có quay lại các hiệp định thương mại quốc tế đa phương với khu vực châu Á, và liệu nước này có tiếp tục duy trì mức thuế cao lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc vốn đã được đặt ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Đây sẽ là các câu hỏi mà Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á hết sức quan tâm.

Khu vực châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rõ ràng nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bằng chứng là Mỹ đang tiến hành một loạt hoạt động ngoại giao ở khu vực này trong thời gian ngắn gần đây.

Còn với Nhật Bản hay Hàn Quốc, những cuộc tiếp xúc sớm này là cơ hội để nắm rõ hơn tầm nhìn của tân chính quyền Mỹ đối với khu vực, nhất là sau 4 năm đầy xáo trộn dưới chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của người tiền nhiệm Donald Trump.

Dù chưa thể có được một chiến lược hoàn chỉnh của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng các cuộc gặp lần này sẽ được các bên tận dụng để đặt ra một chương trình nghị sự cho quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn trong thế đối trọng với Trung Quốc.

Theo vtv.vn