Thứ 4, 27/11/2024, 10:58[GMT+7]

IMF khen ngợi thành công của kinh tế Việt Nam

Thứ 4, 17/03/2021 | 15:42:49
3,502 lượt xem
IMF khen ngợi thành công của kinh tế Việt Nam giữa khủng hoảng COVID-19, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ cần được duy trì trong năm 2021.

IMF khen ngợi thành công của kinh tế Việt Nam giữa khủng hoảng dịch COVID-19. Ảnh minh họa - VGP.

Theo IMF, bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.

IMF chỉ ra rằng, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước COVID-19.

Báo cáo của IMF cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Các chính sách trong ngắn hạn cần tập trung vào việc duy trì việc làm trong khi thúc đẩy sự phân bổ lại các nguồn lực. Cụ thể, việc này có thể được hiện thực hóa nhờ sử dụng trợ cấp tuyển dụng và các chính sách thị trường lao động tích cực để khuyến khích đào tạo việc làm. Mạng lưới an sinh xã hội hiện nay cần được mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao hiệu quả.

Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi bền vững phụ thuộc vào việc bảo đảm ổn định tài chính. Các chính sách về tiền tệ, tài khóa và tài chính do Chính phủ Việt Nam thực hiện đã giúp giảm thiểu nguy cơ gia tăng các vụ vỡ nợ và sa thải hàng loạt của các công ty trong thời gian trước mắt. Những hỗ trợ như vậy cần nhằm đúng đối tượng hướng đến các doanh nghiệp kém thanh khoản nhưng khả thi cho đến khi khả năng phục hồi vững chắc hơn.

Ngoài ra, việc tiếp tục giám sát chặt chẽ song song với những nỗ lực giải quyết các khoản vay có vấn đề, cũng như tăng cường khuôn khổ quản lý và giám sát kịp thời sẽ giúp giải quyết các rủi ro của hệ thống tài chính.

Theo IMF, Việt Nam nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải cách hướng tới giảm bớt gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp phải đối mặt; cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực, đổi mới, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày