Thứ 7, 23/11/2024, 18:12[GMT+7]

Tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị cùng doanh nghiệp FDI

Thứ 3, 27/04/2021 | 07:49:37
1,774 lượt xem
Dịch chuyển chuỗi cung ứng hỗ trợ là cần thiết nhưng nếu chỉ có xu hướng này, mang toàn bộ doanh nghiệp vệ tinh vào để khép chuỗi giá trị của chính họ, không có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Phải khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bên cạnh doanh nghiệp FDI. Cần phải tạo môi trường cộng sinh giữa doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh:VGP/HT

Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021: “Kết nối địa phương - Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội mới”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 26/4, tại Hà Nội.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện nay đã có 136 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ USD. Đây là con số có ý nghĩa và thành tựu FDI là đóng góp to lớn vào ngân sách Nhà nước, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, khu vực FDI còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đưa hàng hóa “made in Việt Nam” vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI. Những con số thống kê trên ghi nhận đóng góp của FDI với kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận, khu vực FDI cũng có mặt trái cần khắc phục. Đó là sau 1/3 thế kỷ, FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa "cộng sinh" với doanh nghiệp trong nước, sức lan tỏa về công nghệ, quản trị chưa cao.

Nếu các địa phương chỉ mải chạy theo các dự án tỷ USD, không chú ý chất lượng tăng trưởng, doanh nghiệp Việt và FDI không liên kết “cộng sinh” được sẽ khó mang lại giá trị lan tỏa.

"Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây khó khăn nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn được nhà đầu tư FDI đánh giá cao. Việt Nam vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc nâng cao vị thế của mình, trở thành lựa chọn hàng đầu với doanh nghiệp FDI, đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Việt Nam đang chứng minh một số lợi thế so sánh, hấp dẫn với thiết chế chính trị ổn định, kiểm soát tham nhũng tốt…", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

Đại diện VCCI cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sơ hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan, về thuế, bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Một vấn đề cần lưu tâm nữa là đó mối quan hệ tương tác giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt. Chủ tịch VCCI phân tích, những năm gần đây, xu hướng các doanh nghiệp FDI nhỏ, doanh nghiệp hỗ trợ vệ tinh, dây chuyền lắp ráp dịch chuyển vào Việt Nam càng nhiều.

“Dịch chuyển chuỗi cung ứng hỗ trợ là cần thiết nhưng nếu chỉ có xu hướng này, mang toàn bộ doanh nghiệp vệ tinh vào để khép chuỗi giá trị của chính họ, không có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Phải khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bên cạnh doanh nghiệp FDI. Cần phải tạo môi trường cộng sinh giữa doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam trong thời gian tới”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày