Chủ nhật, 24/11/2024, 01:44[GMT+7]

Hậu phương của những người trên tuyến đầu chống dịch

Thứ 2, 31/05/2021 | 08:33:50
2,099 lượt xem
Hơn 2 tuần nay, ngày nào chị em Đỗ Minh Anh, Đỗ Phương Anh cũng giữ thói quen nhắn tin cho mẹ. Lúc thì: Mẹ có giường để nằm không? Nay mẹ ăn bánh mì hay ăn cơm? Lúc lại hỏi: Mẹ có nhớ chúng con không?... Những câu hỏi làm mẹ rơi nước mắt. Câu chuyện của điều dưỡng Nguyễn Thị Quý, Khoa Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong rất nhiều câu chuyện của lực lượng y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Những phút giây đoàn tụ của gia đình trong thời điểm dịch Covid-19.

Chị Quý chia sẻ: Dù ngày nào cũng phải nhắn cho con là trong bệnh viện đầy đủ lắm, lại có nhiều đồ hỗ trợ của các nhà hảo tâm gửi vào nhưng các con vẫn quan tâm hỏi han như thế bởi xem trên báo, đài, mạng xã hội, các con cũng hiểu công việc mà mẹ đang làm. Bố là bộ đội trực tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền, mẹ ở lại bệnh viện làm việc và cách ly nên từ đầu tháng 5 tới nay, hai chị em Minh Anh, Phương Anh vừa tự ôn bài, làm bài kiểm tra hết năm học vừa phụ giúp bà trông cậu em mới lên 3. Thời gian gần đây, công việc bớt bận mải, chị Quý có thể gọi điện về cho con để hỏi han, tâm sự vào những lúc cuối ngày nhưng những ngày đầu cách ly, công việc bộn bề, có những khi kết thúc ngày làm việc nhìn đồng hồ đã 1 - 2 giờ sáng, bật điện thoại lên có biết bao tin nhắn, cuộc gọi của các con mà chị không dám gọi lại bởi sợ làm mấy bà cháu mất giấc ngủ. Cả hai vợ chồng cùng đi vắng nên việc chăm sóc con chị nhờ cả vào người mẹ đã ở tuổi ngoài 70. 

Bà Đinh Thị Hương, mẹ của chị Quý chia sẻ: Các con không có nhà, tôi lại bị thấp khớp không đi lại được, biết hoàn cảnh như thế nên họ hàng, làng xóm đều tự nguyện chung tay giúp đỡ. Ngày nào cũng có người đi chợ giúp. Trước các con ở nhà, bà Hương có thời gian nghỉ ngơi nhưng nay, mọi công việc trong nhà một tay bà xoay sở. Khó khăn bộn bề nhưng với bà, niềm hạnh phúc là được chăm sóc cháu để các con yên tâm hoàn thành công việc.

Bố và mẹ cùng tham gia “chống giặc Covid-19” nên chị em Minh Anh, Phương Anh phụ giúp bà chăm sóc em nhỏ.

Bác sĩ Bùi Thị Kim Phượng, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ,  hơn 1 năm qua chị đã 3 lần xách vali vào khu cách ly, trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nói về công việc của mình, chị lạc quan: Tôi đã quen, cả nhà cũng quen rồi, cô con gái 7 tuổi cũng đã quen với việc mẹ xa nhà cả tháng trời. Công nghệ phát triển nên dù không ở nhà nhưng ngày nào hai mẹ con cũng có thể nói chuyện với nhau. Điều đó như liều thuốc giúp cho mỗi chúng tôi thêm lạc quan, vững tin bước vào cuộc chiến này. Chồng đi làm xa nhà, đợt dịch này con lại nghỉ dài ngày nên chị Phượng quyết định gửi con về quê ở với bà. Bà tuổi đã cao nhưng may là có cô chú ở gần thường xuyên quan tâm, hỗ trợ trong thời gian cháu ôn bài, thi kết thúc năm học. 

Chị Phượng bảo: Vậy là một năm học nữa của con đã hoàn thành, cũng là một năm đầy biến động khi mẹ thường xuyên xa nhà nhưng có bố, có bà, có cô chú và những người thân quen hỗ trợ, tôi hiểu rằng cuộc chiến này chúng tôi không đơn độc bởi luôn có hậu phương vững chắc làm điểm tựa.   

Lần đầu tiên mẹ ở lại bệnh viện cách ly cũng là những ngày con gái lớn tất bật ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT, con gái bé phải điều trị định kỳ tại Hà Nội - đó là hoàn cảnh hiện tại của điều dưỡng trưởng Cao Thị Dung, Khoa Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Con gái lớn tuy đã lớp 9 nhưng vẫn giữ thói quen làm nũng mẹ, trong những tin nhắn của hai mẹ con thường ngày đôi khi vẫn kèm theo những lời than thở: “Con thèm món ăn mẹ nấu”, “Bố không tâm lý như mẹ”, rồi “Mẹ ở bệnh viện lâu như thế con chán quá”... Mỗi lần như vậy, chị Dung chỉ biết động viên con rằng hai mẹ con cùng cố gắng. Thấu hiểu những vất vả của vợ, anh Nguyễn Cao Cường, chồng chị Dung làm công việc của cả người bố và người mẹ trong gia đình. Là giáo viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, anh có nhiều thuận lợi trong việc theo dõi sức khỏe, đồng thời theo sát chương trình học tập của các con. Đó cũng là điều giúp chị Dung yên tâm nhất trong giai đoạn các con kết thúc năm học và chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Hai vợ chồng cùng xa nhà trong giai đoạn hiện nay, gửi con về với ông bà, điều dưỡng trưởng Hà Thị Hương Bưởi, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Vượt qua nỗi nhớ các con, mỗi chúng tôi đều ý thức dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất kể ngày đêm, đặc biệt là trong trận chiến Covid-19 chưa biết khi nào sẽ kết thúc.

Cùng với những chiến sĩ áo trắng trên khắp cả nước đang nỗ lực từng ngày đẩy lùi dịch Covid-19, hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hàng trăm y bác sĩ cũng đang thực hiện cách ly, chăm sóc bệnh nhân, góp sức mình trong “cuộc chiến không tiếng súng”. Vững tin trong cuộc chiến cam go, vất vả, phía sau họ cũng là những cố gắng không mỏi mệt của những người thân yêu, hậu phương vững chắc của những người nơi tuyến đầu, với một quyết tâm, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.

Tú Anh