Thứ 7, 23/11/2024, 18:31[GMT+7]

Kiến Xương: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

Thứ 3, 08/06/2021 | 08:43:05
893 lượt xem
Những năm qua, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được nhiều xã trên địa bàn huyện Kiến Xương thực hiện không chỉ giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn giúp nông dân tiêu thụ nông sản với giá ổn định.

Ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (Kiến Xương) đầu tư máy gặt góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa.

Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều năm qua, HTX SXKD DVNN xã Bình Định đã liên kết với doanh nghiệp cấy lúa giống, bao tiêu sản phẩm mang lại thu nhập cao cho nông dân. 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX cho biết: Từ năm 2008, xã Bình Định bắt đầu thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm với 4 doanh nghiệp, trong đó liên kết chủ lực với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Vụ xuân năm nay, xã liên kết tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm 200ha lúa với ThaiBinh Seed thu hút gần 2.000 hộ tham gia. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa TBR225 và BC15 trong vùng liên kết đã gặt xong, năng suất bình quân đạt từ 2,8 - 3 tạ/sào với giá bán cao gấp 1,5 - 1,7 lần so với lúa thông thường.

Ở xã Vũ Lễ, việc liên kết bao tiêu sản phẩm cũng được HTX thực hiện gần 20 năm nay với nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Vụ xuân năm 2021, diện tích liên kết bao tiêu sản phẩm tăng 20ha so với vụ lúa xuân năm ngoái. Bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch từ ngày 28/5, dự kiến sẽ xong trước ngày 15/6. 

Ông Phùng Đình Chiểu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Vụ lúa xuân năm 2021, HTX liên kết với 2 doanh nghiệp theo phương thức cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với gần 80ha ở 4 thôn thu hút trên 500 hộ tham gia. Với giá cân thóc tươi 6.400 đồng/kg, tính ra người dân thu lãi khoảng 600.000 đồng/sào. Để khuyến khích người dân tham gia thực hiện mô hình liên kết cấy lúa hàng hóa, HTX đã giảm giá phân bón cho những người thực hiện đúng cam kết hợp đồng nên không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất mà còn kích thích được nhiều hộ tham gia với diện tích lớn. 

Ông Vũ Thanh Chi, thôn Đồng Vân, xã Vũ Lễ phấn khởi chia sẻ: Nhờ xã tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân nên vụ xuân năm nay tôi cấy 1 mẫu lúa và bán toàn bộ thóc tươi cho HTX thu mua với giá hợp lý. Làm được việc này người dân nhàn hơn, không phải phơi thóc, lại có “tiền tươi” nên ai cũng phấn khởi. Với năng suất đạt 2,8 tạ/sào tôi đã thu về gần 18 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện Kiến Xương cho biết: Để bắt kịp xu hướng phát triển trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất theo chuỗi liên kết có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Những năm qua, toàn huyện đã mở rộng diện tích liên kết sản xuất đạt trên 1.200ha, trong đó riêng vụ xuân năm 2021 có 995ha liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao với các doanh nghiệp. Song song với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương tích tụ ruộng đất để sản xuất với quy mô lớn. Toàn huyện có trên 900ha đất nông nghiệp được các tổ chức, cá nhân tích tụ lại để thuê mượn ruộng sản xuất ở 26 xã, thị trấn. Đặc biệt đã có trên 20 hộ có tích tụ ruộng đất từ 7ha trở lên, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động và giảm diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn.

Bà Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh cho biết: Trước thực trạng diện tích ruộng hoang hóa nhiều nên năm 2008 tôi quyết định đầu tư máy nông nghiệp để làm. Bước đầu còn nhiều khó khăn, tôi chỉ thu gom được những diện tích nhỏ lẻ song đến nay tôi đã tích tụ được 40ha và đầu tư toàn bộ hệ thống máy sản xuất nông nghiệp, hệ thống máy sấy với công suất trên 10 tấn/ngày đêm. Với năng suất đạt từ 1,8 - 2 tạ/sào mỗi vụ tôi thu về trên 200 tấn thóc, thu lãi trên 500 triệu đồng; từ đó đã trở thành động lực cho nhiều hộ khác làm theo, diện tích bỏ hoang của xã, vì thế đã giảm được 80%. 

Ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý cho biết: Thực hiện tích tụ ruộng đất từ năm 2017 đến năm 2018 tôi đã tích tụ được 50 mẫu và từ đó bắt đầu liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương sản xuất chủ yếu giống Đài thơm. Vụ xuân năm 2021, tôi đã ký hợp đồng cung ứng 70 tấn thóc cho công ty này và dự tính 10 ngày tới sẽ xuất hàng. Không chỉ làm của nhà, tôi còn làm thuê phục vụ trọn gói từ khâu làm giống, gieo mạ đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm cho 700 hộ trong thôn với giá cả hợp lý. Tính bình quân mỗi vụ tôi thu lãi trên 500 triệu đồng.

Với việc quan tâm và đề ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm bước đầu đã đem lại hiệu quả trong sản xuất lúa ở Kiến Xương. Hy vọng, với cách làm hiệu quả này huyện sẽ ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày