Thứ 6, 15/11/2024, 15:42[GMT+7]

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi

Thứ 6, 03/07/2020 | 07:59:40
1,890 lượt xem
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 90% số ca tử vong vì ung thư phổi.

Ảnh minh họa.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người hút thuốc cao hơn những người không bao giờ hút thuốc 20 lần. Khi hút thuốc lá với lượng lớn hơn và thời gian hút dài hơn, nguy cơ ung thư phổi tăng lên. Đây chính là căn bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất do hút thuốc lá gây ra vì trong thuốc lá có tới 7.000 chất độc hại. Người hút thuốc lá trong 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Đặc biệt, người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút. Người hút thuốc lá càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thu phổi càng cao, càng nghiêm trọng. Ngoài ra, tác hại của khói thuốc, không chỉ đối với người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh - những người được coi là bị hút thuốc lá thụ động. Khi tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi rất cao. Bệnh ung thư phổi chiếm tới 20% trong tất cả các bệnh ung thư hiện nay và gần như đứng đầu trong hàng trăm loại ung thư. Hầu hết những người mắc bệnh ung thư phổi mà chúng ta thống kê được, một ngày họ đã hút hơn 10 điếu thuốc; số bệnh nhân còn lại bị ung thư phổi mà không hút thuốc là do họ đã hít phải một lượng đáng kể khói thuốc lá của người khác hút. Những công nhân tiếp xúc với bụi silic trong quá trình làm việc cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi và nguy cơ này sẽ tăng gấp nhiều lần, nếu họ đồng thời có hút thuốc lá. Bệnh ung thư phổi thường diễn ra âm thầm nên rất nhiều người chủ quan và các biểu hiện cũng thường xuất hiện muộn. Chính vì vậy, hầu như những người bị mắc bệnh ung thư phổi đều phát hiện muộn nên tỷ lệ tử vong do ung thư phổi rất cao. Người đang hút thuốc mà bỏ hút thì nguy cơ bị ung thư sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 5 năm ngừng hút thì nguy cơ bị ung thư phổi giảm 50% và sau 10 năm ngừng hút thì nguy cơ còn không đáng kể, gần như người không hút.  Những người không hút thuốc nhưng sống hoặc làm việc trong môi trường cùng với người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến thuốc lá như bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư như chính người hút, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em (hút thuốc lá thụ động).

Để ngăn ngừa ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo yếu tố quan trọng nhất là giảm số người hút thuốc lá.

Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)