Thứ 6, 15/11/2024, 17:34[GMT+7]

Liên Hợp Quốc cảnh báo các bệnh dịch lây từ động vật sang con người

Thứ 4, 08/07/2020 | 16:24:49
1,049 lượt xem
Những dịch bệnh đáng sợ khác từng xảy ra trên thế giới như Ebola, bệnh do virus Tây sông Nile và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng là những dịch bệnh xuất phát từ động vật sau đó truyền sang con người.

Virua SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được cho là lây từ loài dơi sang người.

Trong báo cáo mới công bố của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế, các chuyên gia cho rằng sự gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là do nhu cầu cao về đạm động vật, hoạt động nông nghiệp không bền vững và biến đổi khí hậu.

Báo cáo cho rằng, chính sự thờ ơ với các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang con người có thể làm 2 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.

Những dịch bệnh đáng sợ khác từng xảy ra trên thế giới như Ebola, bệnh do virus Tây sông Nile và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng là những dịch bệnh xuất phát từ động vật sau đó truyền sang con người.

Báo cáo khẳng định mầm bệnh không tự nhiên mà truyền từ động vật sang con người. Chính sự suy thoái của môi trường tự nhiên như suy thoái đất, săn bắt quá mức động vật hoang dã, khai thác tài nguyên và biến đổi khí hậu đã góp phần dẫn tới điều này vì nó thay đổi cách tương tác giữa động vật với con người.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết trong vòng 20 năm qua, trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các bệnh lây từ động vật sang con người đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 100 tỉ USD. Riêng dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra dự báo sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 9.000 tỉ USD trong vòng 2 năm.

Theo bà Andersen, mỗi năm có 2 triệu người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình tử vong do sự thờ ơ đối với các dịch bệnh đặc hữu lây từ động vật sang con người như bệnh than, bệnh lao bò (xuất hiện chủ yếu ở trâu, bò) và bệnh dại. Đây là những cộng đồng có các vấn đề phát triển phức tạp, phụ thuộc nhiều vào vật nuôi và sống gần gũi với động vật hoang dã.

Bà Andersen cảnh báo rằng khoa học đã khẳng định rõ ràng là nếu chúng ta tiếp tục khai thác quá mức động vật hoang dã, phá hủy hệ sinh thái thì xu hướng của những bệnh lây từ động vật sang người trong những năm tới sẽ ngày càng chắc chắn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 70% dịch bệnh trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật, trong đó 70% là động vật hoang dã.

Theo chinhphu.vn