Thứ 7, 16/11/2024, 08:01[GMT+7]

Phòng, chống dịch Covid-19 ở người cao tuổi, có bệnh lý nền

Thứ 2, 10/08/2020 | 08:28:40
1,519 lượt xem
Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể bị nhiễm Covid-19. Song người cao tuổi, nhất là người có bệnh mạn tính (bệnh nền) như hen, đái tháo đường, tim mạch..., nguy cơ nhiễm Covid-19 và tử vong sẽ cao hơn. Trước diễn biến phức tạp của dịch, việc chăm sóc người cao tuổi tại các gia đình và ý thức phòng, chống dịch của người cao tuổi có vai trò rất quan trọng.

Bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Người cao tuổi khi bị nhiễm Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mạn tính thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, bệnh nhân rất dễ tử vong. Người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, bệnh nặng, điều trị kéo dài với chi phí tốn kém và tỷ lệ tử vong cao hơn. Các ca tử vong ở nước ta mắc Covid-19 đều là người cao tuổi và có bệnh lý nền mạn tính.

Tại Thái Bình, việc phòng, chống dịch cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền, bệnh nhân chạy thận… đang được các cơ sở y tế trong tỉnh đặc biệt chú trọng. Các bệnh viện đã thực hiện phân luồng bệnh nhân ngay tại cổng, nhắc nhở người bệnh, người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế. Những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở được bố trí khám ở những khu vực riêng… Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải là một trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện chạy thận cho bệnh nhân. Với khoảng hơn 100 bệnh nhân đến chạy thận, định kỳ 2 - 3 lần/tuần, Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa thực hiện tốt công tác khám, điều trị.

Bác sĩ Trần Văn Bội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải cho biết: Cũng như các bệnh nhân khác, bệnh nhân khi đến chạy thận tại Bệnh viện được yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và khai báo y tế. Tại các buồng bệnh, Bệnh viện đều thực hiện phun khử khuẩn trước khi bệnh nhân vào chạy thận. Các giường bệnh được kê bảo đảm khoảng cách an toàn. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn tăng cường các thuốc bổ trợ, tăng sức đề kháng cho bệnh nhân; khuyến cáo bệnh nhân giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đầy đủ… Với những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh mãn tính tùy theo tình trạng bệnh, Bệnh viện sẽ cấp thuốc dùng trong khoảng 2 - 3 tháng. Riêng với bệnh nhân ở các địa phương như xã Tây Ninh, Bệnh viện sẵn sàng cử cán bộ y tế xuống trực tiếp điều trị nhằm hạn chế việc di chuyển của người bệnh.  

Từ thực tế tại Bệnh viện Đà Nẵng khi có nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh mạn tính bị nhiễm Covid-19, mới đây, tại cuộc họp giao ban định kỳ với giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố vào sáng ngày 5/8, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu phải bảo vệ những điểm yếu nhất là khoa hồi sức tích cực, cấp cứu, thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối... Phải coi đây là điểm phải bảo vệ cốt tử, vì nếu dịch đánh đúng vào đó, số tử vong sẽ lớn. Tại những khoa này, có nhiều bệnh nhân đã phụ thuộc máy móc, sự sống rất mong manh nếu thêm Covid-19 thì họ không thể qua khỏi như các trường hợp ở Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao. Ngay sau khi có công điện của Bộ Y tế, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố triển khai công điện của Bộ Y tế. Nội dung công điện nêu rõ, khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và người có nguy cơ cao khác hạn chế tối đa việc ra ngoài, đến khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác. Khi có vấn đề về sức khỏe phải thông báo ngay với y tế xã, phường, thị trấn, bác sĩ gia đình, trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh; luôn sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ y tế đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho những người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.

Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn người cao tuổi, người có bệnh lý nền các biện pháp phòng dịch như: ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, vệ sinh nơi ở, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, nâng cao thể trạng bằng liệu pháp dinh dưỡng, nâng cao đời sống tinh thần, mỗi gia đình, người thân, hàng xóm, cộng đồng hãy quan tâm và đồng hành giúp người cao tuổi thích nghi với môi trường sống hiện tại. Cần tuyên truyền để người cao tuổi, người có bệnh nền không  hoang  mang, lo lắng, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Mỗi người cao tuổi cũng cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hoàng Lanh