Chủ nhật, 17/11/2024, 22:57[GMT+7]

Bảo đảm an toàn trong tiêm chủng

Thứ 3, 24/11/2020 | 08:33:01
1,021 lượt xem
Tiêm chủng là cách đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ em trước các bệnh: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt, viêm não Nhật Bản... Để bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, ngành Y tế thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc bảo quản, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế; quy trình tiêm, theo dõi sau tiêm và việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm tiêm chủng.

Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Đông Các (Đông Hưng).

Trung bình mỗi tháng huyện Thái Thụy có gần 2.000 trẻ tiêm chủng. Nhờ đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, bảo đảm an toàn tiêm chủng, tỷ lệ trẻ đến 47 điểm trạm trên địa bàn huyện tiêm chủng đạt từ 96 - 98%. Bà Vũ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện cho biết: Tùy theo tình hình thực tế, hàng tháng Trung tâm Y tế huyện đều có văn bản hướng dẫn các trạm y tế xã về việc tăng cường công tác tiêm chủng, bảo đảm các quy trình trước, trong và sau tiêm như: rà soát đối tượng tiêm, quy trình 4 bước tiêm, bảo đảm kỹ thuật tiêm... Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng; tổ chức tập huấn cho trạm trưởng và cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng; rà soát và cấp phát bổ sung những vật tư phục vụ công tác tiêm chủng còn thiếu. Trước bối cảnh của dịch Covid-19 khi nguy cơ xâm nhập của dịch vẫn luôn thường trực, Trung tâm Y tế huyện đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các điểm trạm hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đi tiêm theo từng khung giờ, tránh tập trung đông người vào một thời điểm; hướng dẫn phụ huynh kiểm tra thân nhiệt cho trẻ trước khi đến trạm, trường hợp sốt thì không nên cho trẻ đi tiêm chủng và phải báo ngay với cán bộ y tế; thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi đưa trẻ đi tiêm.

Cùng với Thái Thụy, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng. Nhờ đó, 10 tháng đầu năm, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đủ mũi trên địa bàn tỉnh đạt trên 98%. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số trường hợp ghi nhận có phản ứng nhẹ như: sốt nhẹ, đau sưng tại chỗ tiêm, trẻ quấy khóc được giám sát sau tiêm 8 tháng đầu năm là hơn 1.400 trường hợp. Các trường hợp phản ứng trên đều được quản lý, theo dõi; không có trường hợp phản ứng nặng. Các hoạt động tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng lịch kể cả thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế về tổ chức tiêm chủng trong dịch Covid-19, hàng tháng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng bảo đảm thực hiện tốt công tác tiêm chủng, tiêm đủ các mũi, đồng thời thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng. Công tác kiểm tra, giám sát tiêm chủng được thực hiện thường xuyên. Hàng tháng, vào ngày tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức từ 3 - 5 đoàn kiểm tra công tác tiêm chủng và phòng, chống dịch tại 21 điểm tiêm chủng. Những điểm tiêm chủng chưa thực hiện tốt sẽ được nhắc nhở, chấn chỉnh ngay. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn an toàn tiêm chủng và cập nhật phần mềm tiêm chủng quốc gia cho cán bộ bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế các huyện, thành phố và trạm y tế xã, phường, thị trấn. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng cũng được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác tiêm chủng mở rộng là nhận thức của một số người dân cho rằng tiêm dịch vụ tốt hơn nên có tâm lý e ngại về một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, không cho con đi tiêm đúng lịch. Song người dân cần hiểu rằng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều được Bộ Y tế kiểm định và cấp phép; một số phụ huynh chưa nhận biết được các phản ứng sau tiêm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh có 11 loại vắc-xin phòng 10 bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh như: bạch hầu, ho gà, viêm gan B, bại liệt... Do đó, bác sĩ Đặng Quang Huy khuyến cáo: Người dân cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, bảo đảm trẻ có miễn dịch phòng bệnh. Những tháng cuối năm, trẻ dễ mắc một số bệnh thường gặp như: cúm mùa, sởi, tiêu chảy... Vì thế, các bậc phụ huynh cần giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho trẻ. Khi lựa chọn tiêm chủng tại các cơ sở dịch vụ cần lựa chọn điểm tiêm chủng phù hợp, bảo đảm, có uy tín. Nguy cơ xâm nhập dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực, các điểm tiêm chủng cần tiếp tục thực hiện quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế về an toàn tiêm chủng trong phòng, chống dịch như: giãn cách bàn tiêm, bố trí trẻ đến tiêm theo nhiều khung giờ, không tập trung đông người trong một thời điểm; không quá 50 trường hợp/1 điểm tiêm/buổi tiêm... và bố trí đủ nhân viên y tế để thực hiện khám sàng lọc trước tiêm.

Hoàng Lanh