Thứ 2, 18/11/2024, 11:35[GMT+7]

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào?

Thứ 5, 07/01/2021 | 08:19:13
1,406 lượt xem
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Để bạn đọc hiểu hơn về biến thể mới, sự nguy hiểm, tốc độ lây lan cũng như các giải pháp ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể mới vào Việt Nam, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về nội dung này.

Người từ nước ngoài về được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu cách ly tập trung của tỉnh.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết cụ thể hơn về biến thể mới của virus SARS-CoV-2?
Bác sĩ Đặng Quang Huy: Từ tháng 12/2020, Chính phủ Anh cho biết, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới mà họ cho rằng có thể một phần liên quan đến biến thể mới đã khiến Anh phải đưa thủ đô London và nhiều khu vực khác vào mức hạn chế Covid-19 cao nhất. Biến thể mới mà các nhà khoa học Anh đặt tên là “VUI - 202012/01” bao gồm: Một đột biến trong vùng gen virus mã hóa protein đột biến, có khoảng 20 đột biến. Đến nay, biến thể này đã được ghi nhận ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Phóng viên: Sự nguy hiểm, tốc độ lây lan và độc tố của biến thể mới như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đặng Quang Huy: Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về độc tính của biến thể mới có cao hơn so với các biến thể khác hay không nhưng khả năng lây nhiễm của biến thể mới cao hơn các chủng cũ tới 70%. Điều đáng lo ngại hơn là khi một loại virus đột biến bằng cách thay đổi các protein trên bề mặt để giúp nó kháng thuốc đối phó với hệ miễn dịch của con người.

Phóng viên: Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế đã đưa ra biện pháp gì để kiểm soát và phòng, chống lây nhiễm?
Bác sĩ Đặng Quang Huy: Ngày 2/1, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã phát hiện 1 trường hợp là bệnh nhân số 1.435 từ Anh về, nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 (là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây). Ngay sau có thông tin về trường hợp trên, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; nâng cao trách nhiệm và ý thức cá nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương cần xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản chống dịch cụ thể; xây dựng kế hoạch phân công lấy mẫu, điều phối xét nghiệm khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tiếp tục mở rộng xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ; tổ chức diễn tập, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giám sát, xét nghiệm, đội phản ứng nhanh đáp ứng dịch. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý khu cách ly tập trung thực hiện giám sát, theo dõi, xét nghiệm theo đúng các quy định của Bộ Y tế; kiên quyết không để dịch lây lan trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng. Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an chính quy cơ sở thực hiện nghiêm việc theo dõi, giám sát người thực hiện cách ly tại khu cách ly dân sự, cách ly tại nhà, người hết thời gian cách ly tập trung theo đúng các quy định, hướng dẫn. Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực y tế. Phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để theo dõi, báo cáo ngay khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định; chuẩn bị dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị bảo đảm đáp ứng nhu cầu chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc dừng các chuyến bay từ vùng có biến thể mới của SARS-CoV-2.

Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kiểm soát các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đặng Quang Huy: Ngành Y tế đang phối hợp với các ngành, đơn vị quản lý tốt các trường hợp là người Thái Bình nhập cảnh từ nước ngoài về hết thời gian cách ly từ các tỉnh khác về địa phương. Ngành cũng tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị thường xuyên giám sát và quản lý việc nhập cảnh tại cảng Diêm Điền (Thái Thụy) và quản lý, theo dõi sức khỏe người cách ly từ nước ngoài về tại các khu cách ly tập trung của tỉnh; thực hiện giám sát tại cộng đồng những trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Tất cả các trường hợp trên đều được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 sớm để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch.

Phóng viên: Trong thời điểm này, người dân cần làm gì để phòng, chống dịch Covid-19, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đặng Quang Huy: Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao cộng thêm sự bất lợi của thời tiết tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 cũng như một số dịch bệnh truyền nhiễm khác nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và dịch bệnh mùa đông - xuân nói chung người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, đó là “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”, đồng thời thường xuyên vệ sinh môi trường ở gia đình, nơi công cộng để đón một mùa xuân mới vui tươi, an toàn, không dịch bệnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Hoàng Lanh

(thực hiện)