Thứ 7, 16/11/2024, 11:30[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 4, 08/09/2021 | 08:33:33
1,529 lượt xem
Cùng với xét nghiệm chủ động và tiêm vắc-xin, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được Chính phủ xác định là một trong ba mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện khai báo y tế bằng cách sử dụng mã QR Code.

Sở Thông tin và Truyền thông hiện đang triển khai một số ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: tổng đài áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để trả lời các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; ứng dụng Bluezone phát hiện những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm Covid-19; khai báo y tế điện tử thông qua việc cài đặt mã QR Code; phần mềm sổ sức khỏe điện tử và triển khai mạng wifi tại các chốt kiểm soát dịch. 

Ông Đỗ Như Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Thái Bình đã chủ động vận dụng thế mạnh của CNTT trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cách làm này đã và đang mang lại tác dụng kép khi vừa bảo đảm duy trì hiệu quả công việc thông suốt, kịp thời, vừa hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và phòng, chống dịch một cách hiệu quả.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế phối hợp với Viettel Thái Bình đưa vào giải pháp áp dụng trí tuệ nhân tạo (tổng đài AI) để thực hiện các cuộc gọi tự động giúp cung cấp thông tin một cách cụ thể với tốc độ phản hồi nhanh hơn. Đây là một trong những ứng dụng CNTT được áp dụng trên địa bàn tỉnh từ ngày 5/8/2021. Tổng đài được cài đặt trên nền tảng số từ tổng đài phòng, chống dịch hiện có của tỉnh 18009402 nhằm tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đỗ Như Lâm, so với hệ thống trước đây, hệ thống AI có thể tiếp nhận từ 100 - 1.000 cuộc gọi cùng lúc sẽ tiết kiệm được nhân lực, câu trả lời sẽ chính xác, bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân khi muốn tìm hiểu thông tin về phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy gọi là tổng đài nhưng điểm khác biệt là không cần người trực, các câu hỏi sẽ được tự động cập nhật, được biên tập và chuyển hóa cung cấp thông tin đến người dân một cách kịp thời, chính xác. Với những câu hỏi chưa trả lời được, tổng đài sẽ tự động lưu lại sau đó sẽ tổng hợp để gửi cho các cơ quan chức năng giải đáp và tiếp tục cập nhật. Anh Vũ Ngọc Đại, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình chia sẻ: Khi kết nối đến tổng đài AI tôi luôn được hỗ trợ vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, các thông tin được cung cấp ngắn gọn, dễ hiểu, hữu ích.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày 5 - 15/8, tổng đài đã nhận được 2.195 cuộc gọi; tổng số câu hỏi được cài đặt hệ thống 65 câu. Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố cập nhật các câu hỏi, câu trả lời lên hệ thống nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân.

Tại các chốt kiểm soát dịch của tỉnh đều thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua việc tạo lập mã QR Code.

Đối với phần mềm sổ tay sức khỏe điện tử, đây là ứng dụng di động giúp người dân theo dõi sức khỏe sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được kết nối trực tiếp với hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Mục tiêu là giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe. 

Bác sĩ Bùi Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Bình cho biết: Phần mềm sổ tay sức khỏe điện tử giúp lưu trữ tốt hơn, giảm tải được số lượng người đến và thuận lợi trong quản lý hồ sơ sức khỏe. Trong việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, sử dụng phần mềm này người dân có thể tự đăng ký hoặc đăng ký hộ cho người thân và có thể nhận kết quả ngay sau tiêm. Sau tiêm nếu có phản ứng, người dân hoàn toàn có thể tự cập nhật thông tin, từ đó các cơ sở tiêm có thể cập nhật và tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ để xử lý kịp thời. Đến ngày 15/8 có 7.557 người cài đặt phần mềm; tổng số mũi tiêm được cập nhật trên hệ thống 36.390 mũi (chiếm 41,18% tổng số mũi đã tiêm).

Cùng với việc đưa vào hoạt động tổng đài tự động 18009402, phần mềm sổ sức khỏe điện tử, hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông vẫn duy trì triển khai việc tạo lập mã QR Code tại các chốt kiểm soát ra, vào tỉnh và phối hợp với Vinaphone Thái Bình, Viettel Thái Bình cung cấp dịch vụ internet, thiết bị wifi miễn phí để người dân thực hiện khai báo y tế điện tử tại các chốt. Sau 2 tháng triển khai đã có gần 7.000 lượt thực hiện khai báo y tế điện tử áp dụng QR Code tại các chốt kiểm soát ra, vào tỉnh. Trong đó, chốt kiểm soát dịch cầu Thái Hà (Hưng Hà) có gần 4.200 lượt khai báo y tế điện tử áp dụng QR Code; chốt cầu Tân Đệ (Vũ Thư) gần 2.200 lượt; chốt cầu Triều Dương (Hưng Hà) 394 lượt... Cùng với khai báo y tế bằng bản khai giấy, việc áp dụng khai báo điện tử qua mã QR Code giúp Thái Bình nhanh chóng thống kê tổng hợp báo cáo số liệu của từng chốt, qua đó nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch cũng như  bảo đảm phương tiện, hàng hóa được lưu thông nhanh chóng, thuận tiện.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy cùng với đẩy mạnh công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân, việc ứng dụng CNTT sẽ là biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Cường