Thứ 7, 23/11/2024, 20:21[GMT+7]

Kết hợp y học cổ truyền, y học hiện đại trong điều trị

Thứ 2, 30/05/2022 | 09:17:19
2,632 lượt xem
Nhằm nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, phương pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Bệnh nhân được châm cứu bằng máy tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình.

Bị trĩ ngoại, mỗi khi vận động mạnh, làm việc nặng, ông Nguyễn Vĩnh Giang, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) lại bị đau rát, khó chịu. Sau khi biết Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đã thực hiện kỹ thuật tiêm xơ búi trĩ mà không cần phẫu thuật, ông Giang đã đến khám, điều trị. Ông Giang chia sẻ: Khi đến khám, điều trị tại Bệnh viện, tôi thấy cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Sau khoảng 4 tuần điều trị tiêm xơ búi trĩ kết hợp với bôi và uống thuốc, đến nay tình trạng của tôi đã ổn định, tỷ lệ khỏi đạt khoảng 80%. Điều trị tại tỉnh, không phải nhập viện, tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí. Kết quả điều trị tốt, tôi rất phấn khởi.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Quyết, Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình chia sẻ: Kỹ thuật tiêm xơ búi trĩ được Bệnh viện triển khai từ tháng 7/2021. Đây là kỹ thuật dễ thực hiện, người bệnh đỡ đau, thời gian hồi phục nhanh. Trước đây, nếu không có kỹ thuật này, bệnh nhân thường phải phẫu thuật để cắt trĩ. Thực hiện tiêm xơ búi trĩ thuận lợi cho sinh hoạt, người bệnh không cần nhập viện điều trị. Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ kê thêm thuốc y học cổ truyền để bệnh nhân uống kết hợp. Tùy vào tình trạng bệnh, nếu bệnh nặng thời gian điều trị có thể 1 - 2 tháng; bệnh nhẹ khoảng 2 -3 mũi tiêm. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân thực hiện tiêm xơ búi trĩ tại Bệnh viện. Kỹ thuật này có tiềm năng phát triển bởi hiệu quả và nhiều người có tâm lý ngại phẫu thuật. Tiến tới có thể thực hiện tiêm ngoài giờ hành chính nếu người bệnh có nhu cầu.

Để khai thác các thế mạnh của y học hiện đại, kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, cùng với việc nghiên cứu các bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền mới, những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình còn phát triển, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như: tiêm xơ búi trĩ, tiêm nội khớp, laser nội mạch, điều trị sóng cao tần; kỹ thuật mới về chuyên ngành tim mạch, cơ xương khớp, nội tiết...

Với định hướng xuyên suốt là kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh, Bệnh viện đã liên kết với các bệnh viện đầu ngành tăng cường đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp; loạn nhịp đau thắt ngực; kỹ thuật bào chế hoàn mềm, cốm tan, chè tan từ dược liệu... Bên cạnh đó, Bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh. Trong công tác sản xuất và bào chế thuốc, nhiều máy móc hiện đại đã được đầu tư như: máy sắc thuốc đóng gói tự động, máy sản xuất viên hoàn cứng, máy đóng trà túi lọc. Qua đó, tạo được niềm tin và là địa chỉ tin cậy của người bệnh.

Bác sĩ Tô Quang Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình cho biết: Trong quá trình triển khai kết hợp điều trị y học cổ truyền và y học hiện đại, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để phục vụ người bệnh tốt nhất. Hiệu quả từ việc kết hợp điều trị y học cổ truyền và y học hiện đại đã được khẳng định. Bệnh viện hiện có gần 500 bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú. Qua khảo sát, chỉ số hài lòng của người bệnh trong quý I/2022 đạt kết quả cao với tỷ lệ khoảng 99%. Kết hợp giữa đông y và tây y góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, phù hợp với xu thế về yêu cầu chữa bệnh của xã hội hiện đại. Do đó, thời gian tới Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình sẽ tiếp tục phát huy các yếu tố truyền thống của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Nhân viên y tế Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình sử dụng máy đo độ loãng xương khám cho người bệnh.

Hoàng Lanh