Thứ 3, 19/11/2024, 22:27[GMT+7]

Chủ động phòng bệnh trước sự gia tăng bệnh nhân mắc cúm

Thứ 3, 02/08/2022 | 08:01:38
1,129 lượt xem
Số lượng bệnh nhân mắc hội chứng cúm, trong đó có cúm A đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tại Thái Bình, dù số lượng bệnh nhân nặng do cúm A không nhiều song số lượng bệnh nhân mắc cúm đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng.

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Bác sĩ Nguyễn Đình Triệu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã An Ấp (Quỳnh Phụ) cho biết: Là đơn vị thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, hàng ngày Trạm Y tế xã ghi nhận rải rác bệnh nhân nghi mắc cúm đến khám với các triệu chứng như: sốt, ho, viêm long đường hô hấp. Bệnh nhân đến khám đủ các lứa tuổi. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong cộng đồng có thể sẽ nhiều hơn do người dân chủ quan không đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị vì nghĩ rằng đây là những triệu chứng thông thường, năm nào cũng bị. Căn cứ vào tình hình, triệu chứng của người bệnh, chúng tôi tư vấn và kê đơn theo phác đồ. Với bệnh nhân có triệu chứng nặng sẽ tư vấn chuyển tuyến để xét nghiệm xác định chủng cúm.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 5 - 6 bệnh nhân được phát hiện mắc cúm A. Bác sĩ Phạm Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy cho biết: Qua xét nghiệm, Bệnh viện đã ghi nhận có những bệnh nhân mắc cúm A. Những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cho nhập viện; trường hợp nhẹ kê đơn uống thuốc đồng thời khuyến cáo người bệnh chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm lây nhiễm cho những người xung quanh. Hiện Bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A có các triệu chứng nặng.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em mắc cúm A hoặc B trên toàn cầu. Bệnh cúm có thể xảy ra quanh năm. Những năm trước, cao điểm của bệnh cúm thường là khi thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, đông sang xuân, cúm A rất ít xuất hiện vào mùa nắng nóng. Thế nhưng năm nay, mùa hè số lượng bệnh nhân mắc cúm A lại có xu hướng tăng.

Tại Thái Bình, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tuần qua số bệnh nhân mắc hội chứng cúm khoảng gần 600 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân cúm A, tăng khoảng 20% so với tuần trước. Chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi Thái Bình đã ghi nhận khoảng 70 trường hợp mắc cúm A đang điều trị, tăng cao so với tháng 6/2022. Các bệnh nhân chủ yếu ở thể nhẹ và vừa. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan bởi bệnh có thể nặng và gây tử vong đối với những nhóm người có nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và người mắc bệnh mạn tính.

Chia sẻ thêm về triệu chứng của bệnh cúm A, bác sĩ Đặng Quang Huy cho biết: Triệu chứng của các loại cúm thường giống nhau, đặc trưng là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi. Do đó, có thể nhầm lẫn cúm A với cảm lạnh thông thường và Covid-19. Vì vậy, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh.

Những năm trước, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận một số chùm ca bệnh tại các cơ sở giáo dục. Đến nay, dù chưa ghi nhận có chùm ca bệnh hoặc ổ dịch cúm có quy mô rộng trong cộng đồng song theo nhận định của ngành y tế, bệnh cúm nói chung, cúm A nói riêng là bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc, dễ lây lan nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát là rất lớn. Chủ động giám sát, khoanh vùng, xử lý kịp thời chùm ca mắc trong cộng đồng; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn phòng bệnh; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang và tiêm vắc-xin phòng cúm mùa hàng năm... là những giải pháp phòng bệnh mà ngành y tế khuyến cáo. Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, ho, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị. Có như thế mới góp phần kiểm soát tốt, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Hoàng Lanh