Thứ 5, 14/11/2024, 11:04[GMT+7]

Người dân vẫn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thứ 5, 04/08/2022 | 16:54:51
2,499 lượt xem
Tính đến hết tháng 7/2022, cả nước ghi nhận hơn 136.070 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 45 trường hợp đã tử vong. Tại Thái Bình, số ca mắc SXH tăng nhanh kể từ tháng 5/2022, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và nhiều năm trước. Nguy cơ lây lan dịch SXH đã hiện hữu song theo đánh giá của ngành y tế, ở một bộ phận người dân còn có sự chủ quan, kiến thức và ý thức trong thực hiện các biện pháp phòng dịch SXH chưa cao.

Cán bộ y tế bắt bọ gậy tại các hộ xung quanh nhà bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Đã xuất hiện các ca mắc SXH thứ phát

Tại Thái Bình, tính đến ngày 1/8 đã ghi nhận 91 ca mắc SXH (riêng tháng 7 là 50 ca), trong đó 26 ca mắc SXH nội sinh, 65 ca ngoại sinh. Thành phố Thái Bình và huyện Thái Thụy là 2 địa phương có số ca mắc SXH cao nhất. Mỗi địa phương 17 ca. Trong 91 ca mắc được ghi nhận đã xuất hiện các ca nội sinh, thứ phát ở phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) và xã Đông Các (Đông Hưng). Cụ thể, trường hợp mắc SXH nội sinh ở phường Trần Hưng Đạo là 2 anh em trong một gia đình; ở xã Đông Các là 3 người cùng thôn. Các ca mắc đều được phát hiện khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế. 

Qua giám sát, điều tra chỉ số bọ gậy, muỗi tại các gia đình có ca mắc SXH nội sinh và các hộ xung quanh đều thấy có bọ gậy, muỗi - véc tơ trung gian truyền bệnh SXH. Điều này cho thấy mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Nếu các địa phương đã ghi nhận ca mắc không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát, lây lan dịch ra cộng đồng.

Việc vệ sinh môi trường, thu gom dụng cụ chứa nước đọng chưa triệt để

Hiện nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chính để kiểm soát, ngăn chặn sự lây truyền của virus SXH là chống lại vật trung gian truyền bệnh (muỗi). Tuy nhiên, qua giám sát ở một số địa phương đã ghi nhận có ca mắc SXH, công tác vệ sinh môi trường tại các hộ dân vẫn chưa được thực hiện triệt để. Ở một số gia đình có ca mắc hoặc các hộ xung quanh nhà bệnh nhân vẫn còn các dụng cụ, phế thải chứa nước đọng có bọ gậy như: chai lọ, túi ni lông, bình hoa, lốp xe, vỏ sữa chua...

Bác sĩ Hà Thị Phương Thảo, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khi có thông tin về các ca mắc nội sinh ở các địa phương, chúng tôi đã phối hợp với trung tâm y tế huyện, các địa phương giám sát, điều tra chỉ số côn trùng, bọ gậy; hướng dẫn việc vệ sinh môi trường... Các địa phương ghi nhận có ca mắc SXH đều vào cuộc, kịp thời, có những biện pháp phòng, chống dịch như: tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc muỗi, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh...  Song khi kiểm tra lại ở một số địa phương cho thấy vẫn còn những tồn tại, chưa xử lý triệt để các ổ dịch, đó là người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; chưa ý thức được việc vệ sinh môi trường, thu gom dụng cụ phế thải chứa nước là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống SXH. Nhiều người phụ thuộc vào việc phun thuốc muỗi và nghĩ rằng khi có dịch bệnh thì chỉ cần phun thuốc diệt muỗi là được. Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn có cơ sở xây dựng, nhà bỏ hoang. Đây là những nơi thuận lợi cho muỗi trú ngụ, phát triển.

Theo WHO, ước tính có khoảng 100 - 400 triệu ca mắc SXH mỗi năm; trong 50 năm qua, số mắc SXH đã tăng gấp 30 lần và tăng gấp đôi sau 10 năm. Dịch SXH đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 

Tại Thái Bình đã xuất hiện các ca nội sinh, ca thứ phát. Theo nhận định của ngành y tế, thời gian tới, dịch SXH sẽ tiếp tục gia tăng số mắc do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Do đó, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; thường xuyên tổ chức việc vệ sinh môi trường; tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời ca mắc… Chủ động phòng, chống SXH, mỗi gia đình cần tích cực tham gia diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; nằm màn khi ngủ. Nếu bị sốt không rõ nguyên nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh SXH trong bối cảnh dịch Covid-19, hội chứng cúm, tay chân miệng... đang có xu hướng gia tăng, tránh dịch chồng dịch gây áp lực, quá tải cho hệ thống y tế.

Như Hoàng