Thứ 5, 14/11/2024, 11:05[GMT+7]

Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm

Thứ 4, 24/08/2022 | 08:44:16
1,575 lượt xem
Nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tăng cường giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Đây là một trong những hoạt động thực hiện thường xuyên nhằm góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh giám sát mối nguy hàn the đối với giò, chả.

Để lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thành lập các đoàn về các địa phương. Công việc lấy mẫu tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng khá vất vả bởi để lấy được mẫu cán bộ Chi cục phải đóng vai người mua hàng, lấy đủ mẫu ở nhiều nơi và đôi khi bị từ chối bán hàng. 

Chị Phạm Thị Thiều Hoa, cán bộ Chi cục chia sẻ: Khi đến chợ dân sinh ở các địa phương, các hàng giò, chả thường bán theo dãy gần nhau trong khi lượng mẫu cần mua xét nghiệm không nhiều. Nếu mua nhiều thì lãng phí, mua mỗi hàng một ít thì người bán sẽ nghi ngờ không bán. Do đó, mỗi khi mua xong ở hàng này chúng tôi lại phải thay áo chống nắng để vào mua hàng khác. Thế nhưng, giò, chả chưa phải là mặt hàng khó khi thực hiện lấy mẫu. Với mẫu bánh phở ở các hàng ăn càng khó hơn. Để có thể lấy mẫu, cán bộ Chi cục phải vào mua phở ăn song không phải lúc nào cũng có thể ăn được hoặc mua ít thì họ không bán trong khi cần đủ mẫu ở nhiều nơi để xét nghiệm.  

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021 Chi cục đã thực hiện giám sát mối nguy đối với 336 mẫu thực phẩm bán trên thị trường gồm: giò, chả, bánh phở, rượu trắng thủ công, dấm ăn, hải sản, nước uống đóng chai, trà sữa. Qua đó đã phát hiện 13/336 mẫu không đạt. Cụ thể, qua kiểm nghiệm chỉ tiêu vi sinh vật tại phòng kiểm nghiệm có 3/20 mẫu trà sữa phát hiện nhiễm E.coli. Với các mẫu có địa chỉ sản xuất ở tỉnh ngoài, Chi cục đã có văn bản thông báo kết quả mẫu giám sát không đạt đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các địa phương để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Với mẫu không đạt được chế biến, kinh doanh tại Thái Bình, Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và sẽ xử phạt vi phạm. Bên cạnh đó, qua kiểm tra bằng test nhanh đã phát hiện 8/120 mẫu giò, chả có hàn the, 1/60 mẫu hải sản (tôm) phát hiện có Formol và 1/40 mẫu rượu trắng thủ công phát hiện Methanol.

Năm 2022, việc giám sát hàn the ở giò, chả, bún, bánh, rượu thủ công... tiếp tục được thực hiện. Từ đầu năm đến nay, thành viên các đoàn đã lấy được hơn 800 mẫu thực phẩm như: giò, chả, bún, bánh, rượu thủ công, nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhóm thực phẩm dinh dưỡng bổ sung vitamin... ở các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua test nhanh có gần 30 mẫu không đạt. Với những mẫu không đạt, mẫu nghi có chứa hàn the, các thành viên Chi cục tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu lần 2. Nếu kết quả tiếp tục không đạt hoặc mẫu giò, chả, bún, bánh dương tính với hàn the sẽ gửi mẫu lên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: An toàn thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thậm chí tính mạng của người sử dụng. Về lâu dài, còn ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi. Trong các hoạt động kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, chúng tôi luôn chú trọng việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thành lập nhiều đoàn để thực hiện lấy mẫu, giám sát mối nguy ở các huyện, thành phố. Hiện nay, hoạt động này vẫn đang được triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường. Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đang tập trung kiểm tra đối với nước đá dùng liền, nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh.

Việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đang được các ngành, địa phương thực hiện. Song mỗi người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy là một giám sát viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng khi phát hiện thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn. Với sự chung sức, vào cuộc của người dân thì vấn đề ô nhiễm thực phẩm mới có thể được đẩy lùi.

Mẫu giò, chả, xúc xích được lấy từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh về xét nghiệm hàn the.

Như Hoàng