Thứ 3, 19/11/2024, 14:13[GMT+7]

Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở khám, chữa bệnh

Thứ 6, 26/08/2022 | 21:47:01
619 lượt xem
Ngày 26/8, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của WHO, Cơ quan phòng chống dịch bệnh Châu Âu (European CDC), Cơ quan phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC), tính tới ngày 23/8, tổng số ca bệnh đậu mùa khỉ được công bố tại 96 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới là trên 44.503 ca, với phần lớn trong số này (44.116 ca) là số ca nhiễm ở những địa điểm chưa có báo cáo về bệnh đậu mùa ở khỉ trong lịch sử.

Từ tháng 1 - 7 có 12 trường hợp tử vong được thông báo tại 5 quốc gia: Cộng hòa Trung Phi, Ghana, Nigeria, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Brazil và Ecuardo.

Chỉ trong tháng 7 năm 2022, số ca trên toàn cầu đã tăng hơn 20.000 ca và xuất hiện thêm ở 39 quốc gia/vùng lãnh thổ mới. Hiện tại, một số quốc gia gần với Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca nhiễm bệnh.

Ngày 23/7, WHO đưa ra tuyên bố đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Đây là lần thứ hai trong hơn hai năm qua, WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng Quốc tế (PHEIC) sau đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, đến ngày 21/8, vẫn chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước tình hình mở cửa đón khách du lịch và các đối tác kinh tế trở lại sau khi dịch COVID-19 được khống chế, chúng ta cũng đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn của xâm nhập dịch đậu mùa khỉ trong cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo hướng dẫn, diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ ở người có thể được chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 ngày đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:

Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Tiến triển ban: tuần tự tiến triển của ban từ dát (tổn thương có nền phẳng) - sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) - mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) - mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) - đóng vảy khô - bong tróc và có thể để lại sẹo.

Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 -1cm. Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Các biến chứng thường gặp của bệnh đậu mùa khỉ như nhiễm trùng máu (có nguy cơ gây tử vong), viêm não, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực. Đối với các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành từng mảng lớn.

Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 3-6% trên số người mắc bệnh, đặc biệt trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Sàng lọc người nhiễm, nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Cơ sở khám bệnh chữa bệnh triển khai sàng lọc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ khi tại địa phương có thông báo ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng hoặc cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

Đặt biển báo tại cổng vào của cơ sở khám bệnh chữa bệnh để người bệnh có thể nhận biết ngay hướng đi tới khu sàng lọc. Một số nội dung cần được ghi rõ trong biển báo: yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với động vật, người nghi ngờ hoặc xác định nhiễm đậu mùa khỉ, đậu mùa hoặc tiếp xúc với đồ dùng/vật dụng của họ) và dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ.

Khu vực sàng lọc cần được bố trí tại đơn vị khám bệnh và cấp cứu. Với những cơ sở khám bệnh chữa bệnh không có điều kiện bố trí khu sàng lọc trong nhà có thể thiết lập khu vực sàng lọc ngoài trời. Khu vực sàng lọc cần đảm bảo những yêu cầu sau:

- Tại nơi tiếp đón, dựng các vách ngăn trong suốt (kính/nhựa) để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế thực hiện sàng lọc ban đầu và người bệnh.

- Khu vực chờ khám sàng lọc bảo đảm thông khí và khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa các người bệnh, người nhà người bệnh.

- Bố trí sẵn sàng nơi cách ly người bệnh nghi ngờ hoặc người bệnh xác định đậu mùa khỉ trong khi chờ chuyển tới đơn vị điều trị cách ly.

- Cung cấp đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, phương tiện VST bố trí tại nơi tiếp nhận người bệnh, nơi chờ khám, các buồng khám sàng lọc, nơi làm xét nghiệm và nơi cách ly người bệnh.

- Các dụng cụ, thiết bị và hóa chất khử khuẩn thiết yếu dùng trong chăm sóc tại khu vực sàng lọc; điều trị người bệnh, ưu tiên sử dụng các thiết bị không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (máy kiểm tra thân nhiệt tự động, bình cấp hóa chất tự động...).

- Các phương tiện vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý dụng cụ, đồ vải, chất thải y tế.

- Khám sàng lọc:

Buồng khám sàng lọc đảm bảo thông khí tốt.

Nhân viên y tế thực hiện sàng lọc mang phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp (khẩu trang y tế, mũ giấy, áo choàng phòng dịch và găng tay y tế).

Khi khám sàng lọc lưu ý khai thác tiền sử dịch tễ, các dấu hiệu triệu chứng của bệnh.

Yêu cầu người bệnh mang khẩu trang y tế nếu tình trạng người bệnh cho phép.

Cách ly người bệnh xác định nhiễm hoặc ca bệnh nghi ngờ

Người bệnh xác định nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ từ khu sàng lọc được chuyển về khoa truyền nhiễm hoặc khu cách ly của cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

Trong quá trình vận chuyển người bệnh, phải cho người bệnh mang khẩu trang, che các nốt phỏng và báo trước cho nơi sẽ chuyển người bệnh đến.

Các đơn vị lâm sàng của cơ sở khám bệnh chữa bệnh bố trí sẵn sàng một buồng cách ly để sử dụng khi phát hiện người bệnh nội trú nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hoặc để điều trị người bệnh đậu mùa khỉ vừa hoặc nhẹ kèm theo bệnh chuyên khoa mà không thể chuyển về đơn vị riêng điều trị đậu mùa khỉ của cơ sở khám chữa bệnh. Tùy theo tình hình bệnh dịch, có thể tăng số buồng cách ly cho người bệnh đậu mùa khỉ tại đơn vị lâm sàng.

Buồng cách ly người bệnh phải được dán biển cảnh báo "Buồng cách ly" và nêu rõ các biện pháp cách ly cần áp dụng, giường bệnh cách nhau tối thiểu 1 mét.

Giảm thiểu tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc đối tượng người bệnh khác tại đơn vị có người bệnh đậu mùa khỉ, trong trường hợp thật cần thiết chỉ để lại một người nhà cố định.

Yêu cầu và hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp theo quy định ngay khi vào cơ sở khám bệnh chữa bệnh và trong suốt thời gian lưu lại tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

Hạn chế vận chuyển người bệnh ra ngoài khu cách ly.

Hạn chế người nhà và khách thăm vào khu vực cách ly. Trường hợp được phép vào khu vực cách ly phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo quy định.

Xử lý phòng ngừa sau phơi nhiễm

Những trường hợp có nguy cơ cao và trung bình thì phải áp dụng các biện pháp sau:

Theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau ngày được xác định là ngày phơi nhiễm.

Thực hiện báo cáo ca bệnh nếu có triệu chứng nghi ngờ.

Tiêm vaccine phòng ngừa đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo vtv.vn