Thứ 3, 19/11/2024, 02:44[GMT+7]

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số

Chủ nhật, 02/10/2022 | 21:37:01
1,666 lượt xem
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 26/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 11/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU. Một trong những mục tiêu Kế hoạch số 61-KH/TU đề ra là đến năm 2030 tuổi thọ bình quân người dân Thái Bình đạt 76,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh tối thiểu đạt 68 năm; phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Người cao tuổi xã Thụy Quỳnh (Thái Thụy) được tư vấn chăm sóc sức khỏe.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 347.800 người cao tuổi, chiếm 18,7% dân số. Những năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và thành lập, phát triển các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe tại các xã, phường, thị trấn. 

Ông Nguyễn Văn Phỏng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Năm 2022 là năm thứ 12 Thái Bình triển khai thực hiện mô hình câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Là đầu mối triển khai mô hình câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với y tế tuyến huyện, xã thành lập được 151 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với gần 30.000 thành viên tham gia. Ở các câu lạc bộ, người cao tuổi được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, giao lưu, trao đổi các kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Các câu lạc bộ duy trì hoạt động thường xuyên. Một số câu lạc bộ còn được trang bị các thiết bị y tế phục hồi chức năng như: máy đo huyết áp, cân sức khỏe, đèn chiếu hồng ngoại...

Ngoài hoạt động tập luyện thể dục thể thao, ngành dân số cũng thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, chia sẻ kiến thức dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, kinh nghiệm làm kinh tế, giáo dục, tuyên truyền con cháu thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... cho người cao tuổi ở các câu lạc bộ. Bên cạnh đó, ngành còn cấp phát hàng vạn tờ rơi, tờ gấp, tài liệu, in hàng trăm pa nô, băng rôn tuyên truyền cấp cho các xã tham gia mô hình; tổ chức các lớp tập huấn cho bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, ban chủ nhiệm câu lạc bộ, đội ngũ tình nguyện viên về thực trạng già hóa dân số, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, truyền thông tư vấn tại cộng đồng, cách tổ chức một buổi sinh hoạt câu lạc bộ; đồng thời phối hợp với y tế một số địa phương khám sức khỏe cho người cao tuổi và cấp phát một số trang thiết bị y tế... Với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích các câu lạc bộ đã góp phần quan trọng trong chăm sóc người cao tuổi cả về thể chất và tinh thần; từ đó, phát huy được vai trò của người cao tuổi trong xây dựng gia đình, quê hương ngày càng phát triển.

Bà Phạm Thị Mí, xã Thụy Liên (Thái Thụy) chia sẻ: Mới đây, tôi đã được đoàn công tác của Nhật về hướng dẫn bài tập tránh ngã. Tôi thấy đây là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa giúp chúng tôi rèn luyện sức khỏe. Người cao tuổi chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao để tinh thần luôn lạc quan, sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Cũng như nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Thái Bình hiện là tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi cao, sắp bước sang giai đoạn già hóa dân số. Song, đến năm 2021, tỷ lệ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế mới đạt 80,7%. Trên địa bàn tỉnh, các thiết chế chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế, ít có cơ sở y tế chuyên khoa chăm sóc người cao tuổi, các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thiếu cơ sở vật chất để người cao tuổi luyện tập, các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn thiếu trang thiết bị truyền thông. Vì vậy, chăm sóc người cao tuổi để kéo dài thời gian sống khỏe, sống vui, không phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tài chính chữa bệnh là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. 

Ông Nguyễn Văn Phỏng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết thêm: Những năm tới, Thái Bình sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ; tập trung nhân rộng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phấn đấu đến năm 2030 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh xem xét triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là khám sức khỏe ban đầu, chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi để người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi thích ứng với tình trạng già hóa dân số.

Người cao tuổi được chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế. 

Hoàng Lanh