Thứ 3, 19/11/2024, 00:41[GMT+7]

Không chủ quan trước dịch bệnh đậu mùa khỉ

Chủ nhật, 09/10/2022 | 21:18:54
2,124 lượt xem
Tính đến cuối tháng 9/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 64.500 ca mắc đậu mùa khỉ tại hơn 100 quốc gia. Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ từ nước ngoài về.

Nhân viên y tế tuyên truyền các biện pháp phòng, chống đậu mùa khỉ cho người dân.

Thái Bình dù chưa ghi nhận ca mắc song vẫn có một số nguy cơ khiến dịch bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn nếu chủ quan, lơ là. Do đó, ngành y tế đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương triển các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới, trường hợp mắc bệnh đầu tiên đã được ghi nhận vào năm 1970. Bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp, lây qua vết thương hở, dịch thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp; qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng của người nhiễm bệnh. Biểu hiện của bệnh có thể khác nhau tùy theo từng giai đoạn và có sự tương đồng với bệnh đậu mùa. Các triệu chứng thường gặp là sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban giống như mụn nước... Qua hệ thống giám sát y tế từ tỉnh đến cơ sở, đến nay Thái Bình chưa ghi nhận ca mắc song không vì thế mà chủ quan, lơ là. Thái Bình có cảng Diêm Điền (Thái Thụy) thường xuyên có tàu nước ngoài neo đậu. Bên cạnh đó, nhiều lao động là người nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh, có hoạt động giao thương, đi lại giữa các nước và người Thái Bình học tập, làm việc, du lịch ở nước ngoài về. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập vào tỉnh. Vì thế, ngoài việc giám sát ở cửa khẩu, công tác giám sát tại cộng đồng, các cơ sở y tế có vai trò quan trọng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để lây lan, bùng phát.

Chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, mới đây, UBND tỉnh, Sở Y tế đã có văn bản gửi các ngành, địa phương, đơn vị về tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, cùng với việc tăng cường triển khai công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp dự phòng dịch bệnh; thực hiện nghiêm việc giám sát dịch bệnh tại vùng cửa khẩu, người nhập cảnh từ nước ngoài về tỉnh; chủ động lập kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra... Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế các tuyến về cách phát hiện ca bệnh, xử lý khi gặp các trường hợp nghi ngờ; bảo đảm thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh. Trong trường hợp ghi nhận ca bệnh nghi ngờ hoặc ca mắc, khẩn trương điều tra các trường hợp tiếp xúc; tổ chức cách ly, điều trị trường hợp mắc bệnh...

Tại cảng Diêm Điền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã bố trí cán bộ phối hợp thực hiện giám sát phòng, chống dịch bệnh. Bác sĩ Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, ký sinh trùng, côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đậu mùa khỉ... chúng tôi đã tiến hành giám sát lịch trình của các tàu, thuyền viên trên tàu, tình hình sức khỏe của các thuyền viên khi vào địa phận cảng; phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời các tình huống của dịch bệnh, các sự kiện y tế công cộng trong khu vực cảng biển; làm thủ tục hỗ trợ các thuyền viên khi gặp các vấn đề về sức khỏe. Riêng với đậu mùa khỉ, chúng tôi đã phối hợp lực lượng biên phòng, hải quan, các doanh nghiệp vận tải cập nhật các tài liệu hướng dẫn giám sát và tuyên truyền về dịch bệnh. Thuyền viên làm việc trên tàu được truyền thông tư vấn, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị phòng hộ cá nhân và dung dịch khử khuẩn, tự theo dõi sức khỏe...

Chủ động phòng bệnh, cùng các cấp, ngành, địa phương, mỗi người dân cần thực hiện tốt những khuyến cáo của Bộ Y tế như: che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tránh tiếp xúc gần với người nghi mắc, người mắc; bảo đảm dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe. Người đến các quốc gia có dịch lưu hành cần tránh tiếp xúc với động vật có vú. Khi về nước cần chủ động khai báo y tế để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh. Không chủ quan nhưng không hoang mang trước dịch bệnh đậu mùa khỉ, chung sức đồng lòng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, nỗ lực không để dịch xâm nhập, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người dân tìm hiểu thông tin về bệnh đậu mùa khỉ.

Hoàng Lanh