Thứ 2, 18/11/2024, 23:32[GMT+7]

Cao điểm dịch sốt xuất huyết: Khẩn trương phòng chống

Thứ 7, 15/10/2022 | 21:17:54
1,489 lượt xem
Nếu như 7 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận 91 ca mắc sốt xuất huyết (SXH); tháng 8 có 58 ca thì từ tháng 9 đến nay, số ca mắc đã là 135 ca. Hiện nay đang trong thời kỳ cao điểm của dịch SXH, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, số ca mắc có thể tiếp tục tăng cao.

Loại bỏ nước thải lâu ngày, diệt bọ gậy là biện pháp hữu hiệu phòng chống sốt xuất huyết.

Mới đây, tại tổ 18, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) đã ghi nhận ca mắc SXH. Ngày 12/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố và phường Trần Lãm đã phối hợp tiến hành điều tra giám sát tại 30 hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân. Dù công tác vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn đã được thực hiện trước đó song qua giám sát vẫn phát hiện véc tơ truyền SXH, cụ thể chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes) là 20; nhà có bọ gậy là 6,6… Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn vệ sinh môi trường, thời điểm phun thuốc muỗi, đề nghị Trung tâm Y tế thành phố, Trạm Y tế phường khẩn trương rà soát lại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân trong bán kính 200m, không để sót ổ bọ gậy; đồng thời tích cực tuyên truyền phòng, chống SXH.

Không chỉ ở phường Trần Lãm, đến nay SXH đã xuất hiện ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 12/10, Thái Bình đã ghi nhận 284 ca mắc SXH, trong đó 138 ca nội sinh. Một số địa phương có ca mắc SXH cao như: Thành phố Thái Bình 55 ca, Đông Hưng và Hưng Hà mỗi huyện 42 ca, Thái Thụy 39 ca… Bên cạnh đó, ở một số xã, phường đã ghi nhận có các ca nội sinh thứ phát. Dù trong các ca mắc được ghi nhận chưa có ca tử vong song đã có ca nặng phải nhập viện điều trị.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến số ca mắc SXH gia tăng, bác sĩ Hà Thị Phương Thảo, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Qua giám sát thực tế tại các địa phương ghi nhận có ca mắc SXH nội sinh chúng tôi thấy, việc vệ sinh môi trường vẫn chưa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Một số gia đình có bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH chủ quan nghĩ rằng phun thuốc diệt muỗi là được mà bỏ quên các dụng cụ phế thải, chưa thực hiện triệt để việc lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, tạo môi trường giúp muỗi đẻ trứng.

SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Biểu hiện mắc SXH nhẹ là sốt cao, phát ban, đau cơ, khớp, buồn nôn… Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, thậm chí là tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, số ca mắc tại nhiều địa phương tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt bọ gậy; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy; chủ động loại bỏ phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết; phối hợp với ngành y tế, địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường… Các địa phương cần chủ động, tăng cường giám sát, phát hiện ca mắc để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, bùng phát. Người dân khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: sốt cao, phát ban nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hoàng Lanh