Thứ 2, 18/11/2024, 23:38[GMT+7]

Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời tự kỷ ở trẻ

Thứ 3, 18/10/2022 | 08:37:03
1,312 lượt xem
9 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình đã tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 100 lượt trẻ mắc tự kỷ. Biểu hiện của tự kỷ có thể phát hiện sớm từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Vì vậy, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ để có hướng can thiệp kịp thời.

Trẻ mắc tự kỷ điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình.

Bệnh nhân P.L.A, 3 tuổi, ở Nam Định có biểu hiện nói vô nghĩa, đi nhón gót, chỉ thích chơi một đồ vật, không muốn tiếp xúc với người khác, không biết cách chơi với đồ chơi. Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ và bị khiếm thính điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình. Người nhà bệnh nhân chia sẻ: Cháu bị khiếm thính bẩm sinh, sau đó được chẩn đoán mắc tự kỷ. Gia đình xác định đây là hội chứng phải can thiệp lâu dài nên sẽ phải cố gắng rất nhiều chỉ mong tình trạng của cháu sớm được cải thiện.

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình, các bệnh nhân đang điều trị chủ yếu từ 3 - 5 tuổi. Không chỉ được chẩn đoán mắc tự kỷ, một số bệnh nhân còn kèm theo các bệnh lý như: kém vận động, tăng động, bại não... Khi đến can thiệp đã ở giai đoạn muộn. Do đó, quá trình điều trị lâu, phức tạp. Cử nhân vật lý trị liệu Phạm Thị Tươi, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình chia sẻ: Tự kỷ nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ hiệu quả hơn. Từ 6 tháng tuổi có thể nhận biết trẻ mắc tự kỷ hay không thông qua các dấu hiệu như: trẻ không quay lại khi gọi hỏi, không có sự giao tiếp bằng mắt với những người xung quanh, khả năng tập trung kém. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thể phát hiện các dấu hiệu của trẻ mắc tự kỷ ở giai đoạn này. Ở trẻ lớn hơn khoảng 3 tuổi, tự kỷ có những biểu hiện như: chậm nói, giọng nói lặp lại, đơn điệu, khó tham gia các trò chơi, kém tập trung, ít hoặc không cười, thích đồ vật một cách thái quá, đi nhón gót, thường xuyên lo lắng và bồn chồn...

Các trường hợp nghi ngờ mắc tự kỷ khi đến thăm khám tại Bệnh viện, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng, đưa ra phương pháp can thiệp riêng, phù hợp với từng bệnh nhân. Các phương pháp cơ bản gồm: dạy trẻ và hướng dẫn người nhà cách chăm sóc. Cụ thể, dạy ngôn ngữ trị liệu với trẻ chậm nói, kỹ năng tự lập sinh hoạt, quản lý các hành vi bất thường, hướng trẻ đến các hoạt động có ích, các kỹ năng giao tiếp, các hoạt động có tính lần lượt... Bên cạnh đó, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người nhà tìm hiểu các hoạt động của trẻ để xử lý, can thiệp khi trẻ có các hành vi bất thường, quan tâm nhiều hơn đến trẻ thông qua việc vui chơi, khen ngợi trẻ...

Khác với các bệnh lý thông thường, can thiệp điều trị ở trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn cần thời gian, sự kiên trì. Trong quá trình can thiệp, một số trẻ tăng động có thể có những hành vi bất thường gây hại hoặc tổn thương đến người xung quanh. Vì thế, nhân viên y tế phải cẩn trọng khi dạy. Cùng với đó, là những áp lực từ người nhà bệnh nhân khi thấy trẻ chưa có nhiều tiến triển...

Cử nhân vật lý trị liệu Phạm Thị Tươi cho biết thêm: Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, các gia đình cần bình tĩnh để nghe hướng dẫn của bác sĩ, tìm các cơ sở can thiệp phù hợp với tình trạng của trẻ. Nếu trẻ mắc tự kỷ kèm theo các bệnh lý nặng khác như: kém vận động, bại não... sẽ điều trị ở các cơ sở chuyên khoa; trẻ mắc tự kỷ đơn thuần có thể can thiệp tại các trung tâm giáo dục đặc biệt theo giờ. Bên cạnh đó, cần cho trẻ đi khám định kỳ. Bố mẹ, ông bà chính là bác sĩ của con. Bởi họ là người gần trẻ nhất vì thế cần tìm hiểu các phương pháp can thiệp tại nhà; thường xuyên cho trẻ ra ngoài cộng đồng chơi cùng bạn bè; trẻ bị tự kỷ nhẹ có thể cho đi học giúp trẻ hòa nhập tốt hơn.

Tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức. Từ đó, trẻ vẫn có thể phát triển, hòa nhập được với cộng đồng. Tuy nhiên, tự kỷ rất dễ nhầm lẫn với chậm phát triển, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn học tập. Do đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm, tìm hiểu kỹ các dấu hiệu để quyết định những biện pháp can thiệp sớm cho trẻ, tránh bỏ lỡ thời điểm “vàng”.

Nhân viên y tế hướng dẫn trẻ làm quen với trò chơi tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa