Thứ 2, 18/11/2024, 16:44[GMT+7]

Những tín hiệu tích cực từ chương trình chống lao quốc gia

Chủ nhật, 20/11/2022 | 16:09:27
748 lượt xem
9 tháng qua, Chương trình chống lao đã phát hiện số ca bệnh lao mới ngang bằng thời trước khi dịch bệnh xảy ra.

Ảnh minh họa.

Ngày 19/11/2022, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) tổ chức Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2022 và kế hoạch năm 2023. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những thay đổi về tự chủ tài chính tại các tuyến hay việc chuyển đổi thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang bảo hiểm y tế…. nhưng 9 tháng qua, Chương trình chống lao đã phát hiện số ca bệnh lao mới ngang bằng thời trước khi dịch bệnh xảy ra.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, số liệu phát hiện của CTCLQG đã có sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020, thời điểm COVID-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam. Mặc dù COVID-19 vẫn còn tác động đến khu vực miền Bắc trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực miền Nam và miền Trung đã đóng góp rất lớn trong số liệu phát hiện trên toàn quốc.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, việc phục hồi lại hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước dịch COVID-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc, và việc dự kiến đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là vô cùng khả thi. Tuy nhiên con số này còn thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch là 139.000 ca bệnh được phát hiện- đây là số liệu cam kết với Quỹ toàn cầu để đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, một trong những tín hiệu vui trong công tác phòng chống lao là trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện 76.072 ca bệnh, tương tự 3 quý đầu năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19, cao hơn cả cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, Việt Nam duy trì được tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh mới và tái phát trên 90%.

Ngoài ra, trong năm 2022 Chương trình chống lao đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn Quỹ BHYT, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao. Chương trình chống lao đã phối hợp với vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế triển khai các công tác chuẩn bị, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tiếp nhận, quản lý, sử dụng và điều tiết thuốc chống lao thanh toán từ nguồn ngân sách BHYT.

Trong giai đoạn tiếp theo, CTCL sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các điều kiện kiện toàn CSYT để đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện khám chữa bệnh lao thanh toán BHYT, tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 nguồn BHYT để đảm bảo có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh.

Năm 2023 chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 nguồn BHYT để đảm bảo có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan BHXH theo quy định.

Theo vtv.vn