Chủ nhật, 24/11/2024, 02:38[GMT+7]

Thành phố: Phòng tránh tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường

Thứ 3, 06/12/2022 | 21:41:37
4,022 lượt xem
Thuốc lá điện tử (TLĐT) với giả dạng son môi, usb, bút... đã và đang xâm nhập vào các trường học khi đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn. Sự mới lạ với những dụng cụ bắt mắt đã nhanh chóng được học sinh đón nhận và khám phá mà không lường trước được tác hại đối với sức khỏe.

Tiểu phẩm tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe của học sinh Trường THCS Tiền Phong (thành phố Thái Bình).

Tình trạng hút TLĐT đang có xu hướng tăng trong học sinh các trường THCS trên địa bàn thành phố Thái Bình. Nhiều học sinh bị cuốn hút bởi những điều mới lạ của TLĐT bởi phần lớn các em suy nghĩ rất đơn giản là hút cho vui, hút vì tò mò, đua đòi theo bạn bè. Không chỉ học sinh nam thích sử dụng loại thuốc lá này mà có rất nhiều học sinh nữ cũng hút TLĐT. Các em cho rằng chỉ những người sành điệu, đẳng cấp, biết thưởng thức, là người trưởng thành... mới sử dụng TLĐT. Trước thực trạng đó, ngành giáo dục thành phố đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng và trong trường học. 

Cô giáo Trần Linh Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Tiền Phong cho biết: Tình trạng học sinh hút TLĐT đang gia tăng ở mức báo động. Vì vậy, xây dựng môi trường học tập không khói thuốc là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá của nhà trường trong năm học 2022 - 2023. Tích hợp nội dung tuyên truyền phòng, chống hút TLĐT trong giờ sinh hoạt lớp, giờ học các môn Giáo dục công dân, Sinh học; tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá và TLĐT... Vừa qua, nhà trường đã tổ chức làm điểm cấp thành phố chuyên đề “Nói không với TLĐT vì một môi trường không khói thuốc” cho toàn thể giáo viên và học sinh. Trong đó, điểm nhấn là tạo sân chơi ngoại khóa cho học sinh bằng việc để các em hóa thân vào nhân vật trong tiểu phẩm, cảnh báo những tác hại khôn lường của TLĐT. Đồng thời, giao lưu, đặt câu hỏi với các vị khách mời là bác sĩ, công an, qua đó giúp các em được trang bị thêm kiến thức về phòng, chống tác hại của TLĐT; rèn luyện các kỹ năng sống tích cực, biết phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 

Em T.Đ.T, lớp 9A2 Trường THCS Tiền Phong chia sẻ: Em mong muốn nhà trường có thêm nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề về tác hại của TLĐT. Qua đó giúp chúng em có thêm kiến thức và tự nâng cao ý thức phòng, chống cho bản thân trước những lời lôi kéo, rủ rê của người khác.

Trường THCS Kỳ Bá là một trong những trường có số lượng học sinh đông nhất thành phố. Cùng với tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, công tác xây dựng môi trường học đường không thuốc lá được Ban giám hiệu quan tâm thực hiện. 

Cô giáo Đào Ngọc Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh THCS, đặc biệt là khối lớp 8, lớp 9 là đối tượng rất dễ bị lôi kéo nhất bởi vì ở lứa tuổi này tâm sinh lý thay đổi, muốn chứng tỏ bản thân... Nắm bắt được tâm lý học sinh, Ban giám hiệu nhà trường xác định công tác tuyên truyền, nêu gương có vai trò quan trọng để ngăn chặn học sinh tiếp xúc với thuốc lá. Vì vậy, nhà trường tích cực tuyên truyền đến học sinh về tác hại của thuốc lá, TLĐT thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi. Giáo viên chủ nhiệm các lớp yêu cầu học sinh ký cam kết không hút thuốc lá. Đối với phụ huynh học sinh, nhà trường thông tin qua nhóm zalo... Đồng thời, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các vị trí trung tâm để học sinh, giáo viên, phụ huynh dễ dàng nhìn thấy. 

Em Đ.H.A, lớp 9A1 Trường THCS Kỳ Bá cho biết: Nhiều bạn nghĩ TLĐT vô hại nên đã sử dụng và rủ em hút cùng. Nhưng em biết TLĐT cũng như các loại thuốc lá khác rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe nên em không hút và sẽ không bao giờ thử dù chỉ một lần.

Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là TLĐT đối với học sinh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá, TLĐT của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp. Các trường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng trường. Bên cạnh giải pháp của các ngành giáo dục, y tế, công an còn là trách nhiệm của gia đình trong việc quan tâm chăm sóc, quản lý, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hàng ngày của con em mình, đặc biệt là các mối quan hệ bạn bè của con em mình, khuyến khích con em mình tham gia các hoạt động ngoại khóa, hướng tới lối sống lành mạnh; giám sát chặt chẽ để ngăn chặn con em mình tránh xa thuốc lá, TLĐT.

Học sinh chính là những những tuyên truyền viên tích cực trong việc truyền thông tác hại của thuốc lá điện tử. 

Minh Nguyệt