Chủ nhật, 17/11/2024, 19:43[GMT+7]

Vai trò y tế dự phòng

Thứ 6, 24/02/2023 | 15:12:37
1,701 lượt xem
Y tế dự phòng (YTDP) có vai trò quan trọng trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Kể từ khi được thiết lập đến nay, hệ thống YTDP tỉnh không ngừng phát triển, ứng phó kịp thời với nhiều dịch bệnh và đại dịch nguy hiểm, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân, thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu y tế.

Đi trước, đón đầu, ngăn chặn, khống chế dịch bệnh

Thái Bình không chỉ biết đến là tỉnh đầu tiên đạt chuẩn trung tâm YTDP mà còn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác YTDP. Nhìn lại quá trình hoạt động của hệ thống YTDP tỉnh có thể thấy nhiều dịch bệnh đã được dự phòng sớm, giám sát, phát hiện, xử lý, khống chế hiệu quả như: cúm A/H5N1 vào năm 2004, 2005; cúm A/H1N1 năm 2009, 2010; dịch sởi năm 2014… Năm 2019, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là ngành y tế, Thái Bình cũng đã đạt tiêu chuẩn loại trừ sốt rét.

Ứng phó với đại dịch Covid-19 - đại dịch chưa từng có trong lịch sử khiến nhiều người mắc, tử vong, cùng với các cơ sở khám chữa bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên YTDP từ tuyến tỉnh đến xã, thôn đã vào cuộc quyết liệt, không quản khó khăn, vất vả ngày đêm, kịp thời tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch, trực tiếp điều tra, truy vết, xét nghiệm… cho người dân. Khi bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhân viên y tế phải ở lại trạm cả tháng, ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ làm việc với cường độ cao để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhiều cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế thôn, tổ dân phố không quản ngại cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà, thậm chí là tiêm tối, tiêm cả ngày nghỉ, lễ tết. Nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao cùng nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, dịch Covid-19 trong tỉnh nhanh chóng được kiểm soát, số ca mắc mới giảm đáng kể trong những tháng gần đây.

Năm 2022, trong khi nhiều tỉnh, thành phố phải đối mặt với số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao thì tại Thái Bình, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn được kiểm soát hiệu quả. Trong năm, toàn tỉnh ghi nhận gần 600 trường hợp mắc. Các ca bệnh đều được giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, khống chế không cho dịch lan rộng, không có ca tử vong. 

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Năm 2022, cùng với đại dịch Covid-19 là sự gia tăng của một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, hội chứng cúm… Dù số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, hội chứng cúm có tăng so với năm 2021 song với sự nỗ lực của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, các ca bệnh đều được phát hiện, xử ký kịp thời, dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát tốt. Công tác phòng, chống dịch ngày càng chủ động, từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình phòng, chống dịch dựa vào cộng đồng.

Nhân viên y tế giám sát muỗi, bọ gậy phòng bệnh sốt xuất huyết.

Nhiều kết quả từ các chương trình, mục tiêu y tế

Không chỉ phòng, chống dịch, YTDP tỉnh còn thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu y tế. Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thái Bình đã triển khai 9 chương trình hành động quốc gia; xây dựng được nhiều mô hình hoạt động của các câu lạc bộ giúp đỡ, hỗ trợ người nhiễm HIV, người nghiện ma túy. Đến nay, Thái Bình đã đạt mức khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% trong cộng đồng; điều trị ARV cho hơn 1.380 người tại các phòng khám ngoại trú HIV trên địa bàn tỉnh. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng được triển khai tích cực trên toàn tỉnh.

Một trong những điểm nhấn của hệ thống YTDP phải nhắc đến công tác tiêm chủng mở rộng. Đây là hoạt động được tổ chức thường xuyên hàng tháng. Hầu hết các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện an toàn tại các địa phương. Tỷ lệ tiêm đủ mũi các loại vắc-xin luôn đạt trên 95%; duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế các bệnh truyền nhiễm khác trong tiêm chủng. Bên cạnh đó, hoạt động về vệ sinh môi trường, y tế trường học, sức khỏe nghề nghiệp cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Hàng năm, có trên 90% học sinh từ tiểu học, THCS và THPT được khám, quản lý sức khỏe; duy trì hoạt động khám sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng được triển khai từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn với nhiều hoạt động. Tại xã Hòa Bình (Vũ Thư), các mục tiêu, chương trình dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được xây dựng từ sớm. 

Bác sĩ Phạm Văn Thảo, Trưởng trạm Y tế xã cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, ngay từ đầu năm, Trạm đã xây dựng kế hoạch hoạt động về YTDP. Ngoài tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch, chăm sóc sức khỏe, Trạm Y tế xã đã tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh cho học sinh, tư vấn, theo dõi sức khỏe thai kỳ…

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các đơn vị y tế trong tỉnh, hầu hết các sản phụ đẻ tại các cơ sở y tế và được chăm sóc sau sinh. Tỷ suất mắc, tử vong do tai biến sản khoa thấp; tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cao. Hoạt động tư vấn, can thiệp, đánh giá dinh dưỡng được thực hiện thường xuyên tại cơ sở. Hàng năm, duy trì uống vitamin A cho bà mẹ sau sinh và trẻ 6 - 36 tháng tuổi đạt trên 99% và đã thanh toán bệnh khô mắt do thiếu vitamin A…

Hiện nay, cơ sở vật chất ở một số trạm, trung tâm y tế đã xuống cấp; còn thiếu nhân lực y tế… Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân; đồng thời xác định thành công của những chiến lược YTDP có thể cứu sống, kéo dài tuổi thọ và làm thay đổi cuộc sống của cả cộng đồng, cán bộ, bác sĩ, nhân viên YTDP Thái Bình sẽ luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Hoàng Lanh