Chủ nhật, 17/11/2024, 10:28[GMT+7]

Bệnh tay chân miệng vào mùa

Thứ 6, 14/04/2023 | 08:36:53
2,133 lượt xem
Bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm song khi thời tiết giao mùa được xem là thời điểm bệnh vào mùa, số ca mắc gia tăng. Gần đây, số bệnh nhân tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Thái Bình có dấu hiệu tăng, chiếm khoảng 7 - 10% lượng bệnh nhân đến khám, trong đó có bệnh nhân diễn biến nặng nhanh, phải thở máy.

Cán bộ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình khám cho bệnh nhân mắc tay chân miệng.

Bệnh nhân Phạm Gia Linh, 7 tháng tuổi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình. Mẹ bệnh nhân cho biết, cháu ở nhà bị mọc mụn, quấy khóc, gia đình cho cháu đi khám, chẩn đoán mắc tay chân miệng và được nhập viện điều trị. Sau 4 ngày, đến nay bệnh đã giảm. Gia đình chị Phan Thị Lan Phương (Vũ Thư) cũng có con điều trị bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Nhi Thái Bình. Chị Phương chia sẻ: Ở nhà cháu ho, sốt, quấy khóc nên gia đình cho đi viện khám, điều trị. Sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, cháu đã cắt sốt, ăn, ngủ được, bệnh có tiến triển tốt.

Hai trường hợp trên là những trường hợp điển hình của tay chân miệng khi có các triệu chứng như: sốt, tổn thương ở da, mụn nước ở các vị trí như: họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối. Tuỳ theo tình trạng bệnh lý, các bác sĩ có thể cho trẻ về nhà điều trị với bệnh nhẹ, song những trường hợp nặng từ độ 2B trở lên, sẽ chỉ định nhập viện. 3 tháng đầu năm 2023, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận điều trị 71 trường hợp tay chân miệng, trong đó riêng tháng 3 là 42 trường hợp. Ngày cao nhất có 5 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Các trường hợp đều ở độ 2B trở lên. Qua điều trị, các bệnh nhân đều được điều trị khỏi, không có di chứng. Tuy nhiên, có một trường hợp tiến triển bệnh rất nhanh, phải chuyển tuyến. Cụ thể, chỉ sau 3 - 4 giờ nhập viện, bệnh nhân phải thở máy, dùng các biện pháp điều trị tích cực, sau đó phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương và phải lọc máu.

Bác sĩ Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người. Bệnh do nhóm virus đường ruột gây nên. Hai nhóm tác nhân chính là Coxsackievirus và Enterovirus. Bệnh lây qua các nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối; qua đường ăn uống, thậm chí là phân của trẻ. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nếu không điều trị kịp thời trẻ có thể bị tử vong.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin điều trị đặc hiệu. Tính chất, diễn biến của bệnh rất nhanh, thậm chí có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, việc theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng là rất quan trọng. 

Bác sĩ Vũ Thị Phương khuyến cáo: Các gia đình cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh như: sốt, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, tập trung ở mông, đầu gối, đùi để đưa trẻ đến khám, điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng. Gia đình cần lưu ý các dấu hiệu bệnh nặng, nguy hiểm như: sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên 39 độ, trẻ quấy khóc, ngủ giật mình. Đây là biểu hiện sớm của việc tổn thương thần kinh, từ đó có thể biến chứng viêm não. Bên cạnh đó, còn có các dấu hiệu nặng như: trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, trẻ thở mệt, da nổi vân tím, vã mồ hôi lạnh, tay chân lạnh, không sờ thấy mạch hay quá nhanh, co giật... Khi có biểu hiện bệnh, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám, phân độ bệnh, điều trị, tránh tình trạng bệnh nặng, giảm nguy cơ cứu sống trẻ. Việc tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho công tác điều trị. Các gia đình cần vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ; rửa các đồ vật trẻ hay chơi, tiếp xúc; bảo đảm dinh dưỡng và cho trẻ nghỉ học khi có dấu hiệu mắc bệnh nhằm hạn chế lây lan.

Hoàng Lanh