Chủ nhật, 17/11/2024, 06:49[GMT+7]

Chưa có bằng chứng cho thấy độc lực của virus SARS-CoV-2 đã giảm

Thứ 6, 28/04/2023 | 11:06:55
1,256 lượt xem
Số ca mắc COVID-19 vẫn đang có xu hướng gia tăng, trong khi đó, theo các chuyên gia, chưa có bằng chứng độc lực của SARS-CoV-2 đã giảm.

Chưa có bằng chứng cho thấy độc lực của virus SARS-CoV-2 đã giảm

Thông tin trong một cuộc giao lưu trực tuyến về dịch COVID-19 mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết: Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng độc lực của SARS-CoV-2 đã giảm, mà có thể đã có các biến chủng phụ. Vì vậy, có những thời điểm, số ca mắc tăng, và mức độ diễn biến bệnh tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, cũng như độ bao phủ tiêm vaccine.

Ths.BS. Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cũng chia sẻ, hiện nay có nhiều biến chủng đang lưu hành trên thế giới. Các biến chủng được quan tâm là các biến chủng được WHO theo dõi và giám sát.

Trong đó, biến chủng XBB.1.16 được phát hiện lây lan nhanh trên toàn thế giới và có khả năng thay thế cho các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy các biến chủng này gây bệnh nặng hoặc làm thay đổi triệu chứng lâm sàng của bệnh.

Một số quốc gia có báo cáo tỷ lệ mắc biến chủng mới ở trẻ em cao có thể do miễn dịch tự nhiên sau mắc COVID-19 suy giảm, hoặc tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường còn thấp.

Tại sao khi nhiễm COVID-19, người có triệu chứng, người không?

Ths.BS. Nguyễn Đình Qui, Quyền Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, việc mắc COVID-19 có triệu chứng hay không có triệu chứng tùy thuộc vào cơ địa từng người, bao gồm tình trạng miễn dịch do tiêm vaccine COVID-19, hoặc đã từng mắc COVID-19 trước đó, do chủng lây nhiễm...

Trường hợp người dân vô tình làm xét nghiệm COVID-19 mà dương tính, dù không có triệu chứng thì vẫn phải tuân thủ việc cách ly tại nhà từ 5-7 ngày, thực hiện lại xét nghiệm sau khoảng thời gian đó để đánh giá tình trạng lây nhiễm, vì dù không có triệu chứng, nhưng người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Đối với các biến chủng XBB.1.5, XBB.1.16, XBB.1.9.1 phổ biến hiện nay, chưa ghi nhận các biến chủng này ở bệnh nhi trong nước. Tuy nhiên, theo quan sát từ các quốc gia khác, triệu chứng của các chủng này cũng nhẹ nhàng hơn so với các chủng trước đây.

Thời điểm hiện tại, đa phần trẻ bị COVID-19 đều có các triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà, rất ít trẻ phải nhập viện.

Về việc trẻ có dễ bệnh nặng hay không, BS. Nguyễn Đình Qui cho biết, việc này phụ thuộc trẻ có bệnh nền hay không (ví dụ bệnh lý tim mạch, bệnh lý phổi như hen suyễn; các bệnh lý mạn tính, như hội chứng thận hư; nhóm bệnh ung bướu...), mức độ bệnh nặng hay nhẹ không phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Thời điểm hiện tại, việc phòng ngừa chủ yếu tập trung vào nhóm có yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh nền này.

Theo vtv.vn