Chủ nhật, 24/11/2024, 04:04[GMT+7]

Phòng ngừa tổn thương giác mạc do dị vật

Thứ 2, 29/05/2023 | 08:19:34
1,950 lượt xem
Khi dị vật bay, rơi, bắn vào mắt, nhiều người có phản xạ chớp, dụi mắt hoặc tự ý mua thuốc điều trị, tuy nhiên điều này vô tình có thể khiến mắt bị tổn thương. Nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Mắt Thái Bình do xử trí, vệ sinh chưa đúng cách khi có dị vật vào mắt.

Bác sĩ Lương Tuấn Thiện, Trưởng khoa Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Thái Bình khám mắt cho người bệnh.

Bệnh nhân Trần Thị Trắc bị bụi bay vào mắt, đang điều trị tại Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Thái Bình. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán mắt bệnh nhân có dị vật giác mạc, bị viêm, có ổ nấm. Bệnh nhân Trần Thị Trắc chia sẻ: Làm ở trang trại gà, khi bắt gà tôi bị bụi bay vào mắt, rất cộm và khó chịu, tôi không dám động vào mắt mà đến thẳng trạm y tế xã để khám, rửa mắt. Sau đó, tôi lên Bệnh viện Mắt Thái Bình khám và được chẩn đoán có ổ nấm trong mắt. Đến nay, bác sĩ nói tình trạng bệnh có chút tiến triển song quá trình điều trị sẽ mất nhiều thời gian.

Không riêng bà Trắc, Bệnh viện Mắt Thái Bình thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị dị vật vào mắt, trong đó có trường hợp bị bụi kim loại, côn trùng... Tình trạng của một số bệnh nhân khi đến Bệnh viện đã nặng do xử trí, vệ sinh ban đầu chưa đúng cách. Một số trường hợp còn thực hiện theo kinh nghiệm dân gian như: dùng búp cỏ, nõn tre lấy dị vật... Ông Nguyễn Đức Mạc, xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Ở nhà nếu có nước thì vã nước vào mặt còn ở đường thì tôi dùng nõn tre, cỏ dại lấy bụi. Dù biết như vậy cũng có hại song tôi nghĩ nõn tre, búp cỏ cũng mềm.

Hiện nay, do đặc thù công việc nhiều người phải làm ở môi trường nhiều khói bụi. Bên cạnh đó, khi đi đường người dân cũng dễ bị côn trùng, cát hay các dị vật khác bay vào mắt. Việc xử trí không đúng cách có thể khiến mắt càng bị tổn thương và để lại di chứng giảm thị lực.

Bác sĩ Lương Tuấn Thiện, Trưởng khoa Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Thái Bình chia sẻ: Chúng tôi thường gặp bệnh nhân dị vật giác mạc. Nhiều trường hợp bị dị vật giác mạc đến sớm nhưng cũng có trường hợp để nặng mới đến bệnh viện khiến việc điều trị gặp khó khăn, phải điều trị dài ngày, thậm chí bỏ mắt đi. Dị vật giác mạc là việc thường xuyên xảy ra với người dân khi đi đường, lao động nông nghiệp, cơ khí. Nguyên nhân làm bệnh nặng lên là do không đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Khi bị dị vật giác mạc, nếu được điều trị sớm sẽ dễ loại bỏ dị vật, kịp thời dùng thuốc tỷ lệ biến chứng rất thấp. Tuy nhiên, khi đến muộn hoặc tự ý mua thuốc điều trị, dị vật sẽ gây ra bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm phát triển nhanh làm cho bệnh nặng, khó điều trị.

Dị vật có nhiều loại, có thể do bụi kim loại, lá lúa, vôi, xi măng bắn... vào mắt. Mỗi loại có cách xử trí khác nhau. Bác sĩ Lương Tuấn Thiện chia sẻ: Khi có dị vật trong mắt, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, không dụi mắt, tự ý lấy dị vật. Nếu do yếu tố khách quan chưa đến được ngay cần rửa bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý vô khuẩn (không phải nước muối dùng để súc miệng). Dân gian hay có mẹo dùng nõn tre, đầu ngọn cỏ để lấy song điều này rất nguy hiểm bởi các dụng cụ đó có thể chứa nhiều vi khuẩn, vi nấm, đưa vào mắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi làm tăng vi khuẩn, vi nấm trong mắt, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Để làm giảm nguy cơ bị dị vật vào mắt, những người lao động trong môi trường bụi nhiều, làm hàn xì, đi đường... nên có kính bảo hộ. Tùy theo đặc thù công việc sẽ chọn những loại kính phù hợp. Khi bị dị vật giác mạc, người dân cần rửa mắt và đến khám tại các cơ sở có chuyên khoa mắt, không tự ý lấy dị vật hoặc tự mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Hoàng Lanh