Thứ 7, 16/11/2024, 21:01[GMT+7]

Duy trì giám sát, ngăn chặn nguồn lây sốt xuất huyết ngay từ cơ sở

Thứ 5, 22/06/2023 | 09:19:18
2,345 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, Thái Bình ghi nhận 22 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 12 ca nội sinh, chưa ghi nhận ca tử vong. Theo ngành y tế, thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy tại xã Văn Lang (Hưng Hà).

Mới đây, qua điều tra, giám sát SXH tại xã Văn Lang (Hưng Hà) - nơi từng ghi nhận nhiều ca mắc nội sinh, ngoại sinh năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn phát hiện thấy có muỗi, bọ gậy - véc tơ truyền bệnh SXH ở một số gia đình. 

Tại nhà bà Trần Thị Đáng, xã Văn Lang, nhân viên y tế đã phát hiện có bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH ở bình trồng cây cảnh. Bà Đáng chia sẻ: Khi biết ngay gần nhà có ca mắc SXH, được sự hướng dẫn của ngành y tế, gia đình tôi đã tiến hành vệ sinh môi trường, lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước đọng lâu ngày. Tuy nhiên, có đôi lúc còn quên để sót chưa lật úp hết dụng cụ chứa nước đọng. Tôi sẽ nhắc nhở con cháu chú ý hơn để phòng bệnh.

Từng mắc SXH, đến nay bà Lộ Thị Hà, xã Văn Lang vẫn chưa quên được những ngày phải nhập viện điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Bà Hà chia sẻ: Tôi có sang nhà bệnh nhân mắc SXH chơi nhưng lúc đó không biết là họ mắc. Về nhà, tôi có các triệu chứng sốt, đau đầu. Không nghĩ mình bị mắc SXH nên tôi chỉ mua thuốc uống, tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu giảm mà còn nặng hơn nên tôi đã lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán tiểu cầu bị giảm nhiều. Sau đó, tôi được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị. Khi chưa mắc, tôi không nghĩ bị SXH lại nặng đến vậy, song trải qua những ngày điều trị mới thấy được tầm quan trọng của việc phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe. Phòng, chống SXH, gia đình tôi vẫn thường xuyên vệ sinh môi trường, ngủ màn tránh muỗi đốt.

Y sĩ Phạm Bá Lùng, Phó Trưởng trạm Y tế xã Văn Lang chia sẻ: Sau nhiều năm không ghi nhận ca mắc, năm 2022 toàn xã có hơn 10 ca. Khi có ca bệnh, cán bộ, nhân viên y tế đã phối hợp điều tra dịch tễ, tổ chức vệ sinh môi trường, phun thuốc muỗi, tăng cường công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã chưa ghi nhận ca mắc SXH mới. Tuy nhiên hiện nay, qua giám sát vẫn còn muỗi, bọ gậy ở một số hộ dân. Mầm bệnh vẫn đang lưu hành tại địa phương. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng thời hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh môi trường phòng bệnh.

Tính đến nay, cả nước ghi nhận gần 33.700 ca mắc SXH, trong đó có 8 ca tử vong chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Tình hình dịch bệnh SXH ổn định, không ghi nhận có địa phương tăng cao đột biến và ổ dịch tập trung. So với cùng kỳ năm 2022, tốc độ gia tăng số ca mắc tại Việt Nam các tuần gần đây thấp hơn khoảng 10%, ca tử vong cũng giảm. 

Tại Thái Bình, từ đầu năm đến nay ghi nhận 22 ca mắc, rải rác ở một số địa phương. Ngay khi xuất hiện có ca bệnh, ngành y tế đã phối hợp với các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống SXH. Việc điều tra nguồn lây, giám sát, xử lý SXH ngay tại cơ sở có vai trò quan trọng để kiểm soát bệnh, ngăn chặn nguồn lây nhiễm, không để SXH lây lan, bùng phát. Tuy nhiên, có lúc có nơi, việc vệ sinh môi trường chưa triệt để, một bộ phận người dân còn có tâm lý chủ quan, lơ là.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: So với mọi năm, năm nay SXH xuất hiện sớm hơn. Ngay từ đầu năm trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận ca mắc. Đặc tính của muỗi truyền bệnh SXH thường sinh sản ở các dụng cụ chứa nước sạch xung quanh nhà như: chum, lọ hoa, lốp xe, bể nước mưa... Với thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản, phát triển. Trứng muỗi có thể tồn tại ở môi trường khô hạn trong khoảng 6 tháng; mưa hôm trước, hôm sau trứng có thể đã nở thành bọ gậy. Vì thế, việc tuyên truyền phòng bệnh, giám sát, điều tra chỉ số muỗi, bọ gậy và vệ sinh môi trường cần được thực hiện thường xuyên ngay tại cơ sở để chủ động cắt đứt nguồn lây, ngăn chặn SXH lây lan, bùng phát. Người dân cần thu gom, xử lý môi trường, dụng cụ phế thải xung quanh nhà, không có bọ gậy và muỗi thì sẽ không có SXH.

Hoàng Lanh