Thứ 7, 16/11/2024, 14:24[GMT+7]

Gỡ tình trạng quá tải, giảm nỗi lo cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Thứ 4, 02/08/2023 | 08:36:11
3,469 lượt xem
Trước sự gia tăng số người suy thận mạn tính, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã mở thêm đơn nguyên chạy thận nhân tạo (CTNT), tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh. Ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế, nhất là các bệnh viện tuyến huyện có giải pháp, sớm tổ chức CTNT hoặc tăng số lượng máy lọc máu, giảm nỗi lo cho người bệnh.

Nhân viên y tế kiểm tra máy lọc máu.

Nhu cầu chạy thận nhân tạo tăng

Từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, đơn nguyên CTNT Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng lúc nào cũng có bệnh nhân. Ca 1 chưa xong, các bệnh nhân ca 2 đã có mặt chờ đến lượt dù khung giờ, lịch chạy máy đã được Bệnh viện thông báo trước. Với sự nỗ lực của Bệnh viện, 10 máy CTNT đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, 10 máy và 3 ca chạy mỗi ngày cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu CTNT định kỳ cho 60 bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Văn Cải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng chia sẻ: Trước khi đi vào chạy thận, số lượng bệnh nhân đăng ký CTNT tại Bệnh viện đông song số lượng máy còn hạn chế nên chúng tôi rất khó khi phải sàng lọc người bệnh. Nhu cầu CTNT của người bệnh vẫn rất lớn. Qua rà soát, số lượng máy hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% bệnh nhân trên địa bàn huyện.

Thực hiện CTNT từ nhiều năm nay, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 34 máy nhưng hiện 3 máy đã hỏng. Ngoài bệnh nhân cần lọc máu cấp cứu, Khoa đang thực hiện lọc máu chu kỳ cho gần 170 bệnh nhân. Để bảo đảm cho việc chạy thận, Bệnh viện đã bố trí 2 kíp trực với 3 ca chạy. Tuy nhiên, do vận hành liên tục trong thời gian dài, một số máy bị hỏng nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc chạy thận. Có thời điểm người bệnh phải di chuyển đến cơ sở chạy thận khác. 

Bệnh nhân Phạm Thị Lán, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) cho biết: Tôi CTNT từ năm 2021. Mắc bệnh, 1 tuần 3 lần CTNT, mỗi lần cũng mất vài tiếng, chúng tôi không thể làm việc, không có thu nhập, trở thành gánh nặng cho gia đình. Năm 2021, thời điểm hệ thống máy gặp sự cố, người bệnh rất vất vả. Nhiều lần tôi phải đổi từ máy này sang máy khác, thậm chí xuống tận Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải để CTNT. Sức khỏe vốn yếu cộng với việc đi xa, chi phí tiền ăn, ở trọ tốn kém khiến tôi rất mệt mỏi. Máy ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đã cũ, chúng tôi rất mong có những máy tốt hơn để lọc máu chu kỳ, đỡ lo lắng cho phần đời còn lại.

Bác sĩ Dương Thị Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Thực tế vài năm gần đây có những giai đoạn bệnh nhân quá tải. Sau khi được làm cầu tay, bệnh nhân chuyển từ cấp cứu sang lọc máu chu kỳ. Khi chưa có thêm một số bệnh viện CTNT thì việc lọc máu chu kỳ là bài toán khó, đầy trăn trở do bệnh nhân chưa biết lọc máu ở đâu. Các cơ sở trong tỉnh đã CTNT trước đó cũng chỉ đáp ứng được số lượng bệnh nhân nhất định. Thông thường, sau khi CTNT xong người bệnh có thể về nhà. Thế nhưng, có thời điểm một số bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận vì chưa đáp ứng được nhu cầu.

Gỡ tình trạng quá tải

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở (gồm các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Đại học Y Thái Bình, Đa khoa Tiền Hải, Đa khoa Nam Tiền Hải, Đa khoa Quỳnh Phụ, Đa khoa Đông Hưng, Đa khoa Kiến Xương, Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình) CTNT với 147 máy (4 máy hỏng), thực hiện lọc máu chu kỳ cho hơn 660 bệnh nhân. Với số máy chạy, nhân lực và cơ sở vật chất hiện có, việc thực hiện CTNT đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người bệnh trên địa bàn tỉnh song cũng có thời điểm quá tải do lượng bệnh nhân mới tăng, máy hỏng, nguồn nước có vấn đề, một số người dân các địa phương lân cận sang chạy thận...

Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước số lượng người bệnh có nhu cầu lọc máu chu kỳ, CTNT ngày càng tăng, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế, nhất là các bệnh viện tuyến huyện triển khai CTNT. Do đó, từ năm 2022 đến nay đã mở thêm 3 đơn nguyên CTNT tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình và Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương. Toàn tỉnh còn một số bệnh viện tuyến huyện chưa thành lập được đơn nguyên CTNT. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo, phấn đấu các huyện trong tỉnh đều có đơn nguyên CTNT, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Chúng tôi rất mong sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền để các bệnh viện trên địa bàn có thể thực hiện CTNT.

Ngoài việc mở các đơn nguyên CTNT mới, một số đơn vị đang thực hiện chạy thận đã có phương án tăng số lượng máy nhằm bảo đảm người dân tại địa phương được CTNT ngay tại huyện mà không phải đi xa. 

Bác sĩ Dương Thị Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ thêm: Theo kế hoạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ chuyển Khoa Thận nhân tạo sang khu vực mới, tăng số máy lên 40 máy, từ đó có thể tiếp nhận nhiều hơn lượng bệnh nhân chạy thận chu kỳ và lọc máu cấp cứu.

Các huyện Đông Hưng, Kiến Xương cũng có kế hoạch tăng số máy chạy thận sau một thời gian vận hành ổn định, hiệu quả. Bác sĩ Phạm Văn Cải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng cho biết thêm: Thời gian tới, khu nhà mới của Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng hoàn thiện, chúng tôi có thể bố trí thêm 10 máy để phục vụ nhiều người bệnh hơn.

Không thể ghép thận do chi phí cao, nguồn thận hiến tặng khan hiếm, nhiều người suy thận mạn phải CTNT để kéo dài sự sống. Điều trị lâu dài, tốn kém chi phí, họ không chỉ chịu nỗi đau bệnh tật mà còn bị ảnh hưởng về tinh thần. Vì thế, việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ và an toàn trong quá trình CTNT không chỉ khẳng định vai trò, vị thế của bệnh viện mà còn giúp người bệnh yên tâm điều trị.

Hoàng Lanh