Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng đầu năm học mới
Ảnh minh họa.
Cả nước ghi nhận hơn 74 nghìn ca bệnh, 22 ca tử vong
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Đáng chú ý, có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây lớn nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi với triệu chứng sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 74 nghìn ca bệnh tay chân miệng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 22 ca tử vong. Riêng khu vực phía Nam ghi nhận hơn 58,4 nghìn ca (chiếm 79% số ca mắc trên cả nước). Tại Đồng Nai, đến hết tháng 8, số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận trên toàn tỉnh là gần 6 nghìn ca, tăng 4,53% so với cùng kỳ năm 2022.
Cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng
Để tích cực phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Bộ Y tế khuyến cáo các thầy cô, bậc phụ huynh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Đối với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhưng phân loại nhẹ, được bác sĩ tư vấn chăm sóc, điều trị tại nhà cần tái khám đúng lịch và chú ý các dấu hiệu chuyển nặng như: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt; giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút); quấy khóc dai dẳng, kéo dài; khó thở… Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 22/1 22.01.2022 | 20:53 PM
Xem tin theo ngày
-
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về hợp nhất hai tỉnh
- Gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khoá XVII
- Tập huấn về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý
- UBND tỉnh: Làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS) về phương án cấp khí LNG trên địa bàn tỉnh
- Giới thiệu cuốn sách “Đỗ Ngọc Quán - Người cộng sản trung kiên”
- Hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy