Chủ nhật, 24/11/2024, 02:01[GMT+7]

Hưng Hà: Xử lý kịp thời chùm ca mắc thủy đậu

Chủ nhật, 31/03/2024 | 22:51:04
3,481 lượt xem
Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, trong đó có thủy đậu. Hiện nay, số ca mắc thủy đậu có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố. Tại Thái Bình, mới đây cũng xuất hiện chùm ca mắc tại Trường Mầm non Trần Thái Tông, xã Tiến Đức (Hưng Hà).

Giáo viên Trường Mầm non Trần Thái Tông, xã Tiến Đức (Hưng Hà) vệ sinh tay cho trẻ trước khi vào lớp.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà, tại Trường Mầm non Trần Thái Tông ghi nhận 18 trẻ mắc thủy đậu, trong đó có 17 trẻ ở lớp 5 tuổi và 1 trẻ ở lớp 3 tuổi. Ca mắc đầu tiên được phát hiện vào ngày 18/3, đến ngày 23/3 tăng lên 18 ca. Ngay sau khi phát hiện các ca mắc, nhà trường đã báo cáo Trạm Y tế xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Bà Trần Thị Tứ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 13 lớp với hơn 230 trẻ. Khi phát hiện các ca mắc, nhà trường đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên, giáo viên vệ sinh môi trường, lau tường, nền nhà, rửa, phơi đồ chơi của trẻ, giặt chăn, chiếu, luộc đồ đựng thức ăn, nước uống. Bên cạnh đó, giáo viên các lớp cũng tuyên truyền các phụ huynh phòng, chống dịch bệnh, khi con có dấu hiệu sốt cho đi khám tại các cơ sở y tế; đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình bệnh thủy đậu.

Giáo viên Trường Mầm non Trần Thái Tông vệ sinh lớp học hàng ngày.

Y sĩ Nguyễn Thị Thuần, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiến Đức chia sẻ: Sau khi có thông tin từ nhà trường, chúng tôi đã giám sát các ca bệnh. Xác định đây là bệnh dịch thủy đậu, chúng tôi đã phối hợp với nhà trường thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Qua giám sát, chúng tôi xác định ca đầu tiên mắc gia đình không biết đó là bệnh thủy đậu mà chỉ nghĩ con bị sốt nên thấy đỡ lại cho con đi học, ăn, ngủ bán trú tại trường. Khi xuất hiện các nốt ở mặt, lưng giáo viên mới phát hiện và cho trẻ nghỉ học ở nhà. Đến ngày thứ ba, tổng số trẻ ghi nhận mắc là 18 trẻ, nhà trường mới thông báo cho trạm y tế. Các trẻ mắc đều ở thôn Tam Đường. Chúng tôi đã đề nghị nhà trường cách ly lớp có trẻ mắc và thường xuyên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Hàng ngày, cán bộ Trạm Y tế liên hệ với các gia đình có trẻ mắc để theo dõi tình hình sức khỏe.

Đồ chơi của trẻ được làm sạch hàng ngày.  

Trước thông tin về chùm ca mắc thủy đậu, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện đã trực tiếp về địa phương giám sát, yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh, không để bệnh thủy đậu tiếp tục lây lan, bùng phát... Ngày 25/3/2024, UBND huyện Hưng Hà có văn bản gửi thủ trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, chủ tịch UBND xã, thị trấn, cơ sở giáo dục, trạm y tế xã, thị trấn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy đậu và dịch bệnh mùa xuân, hè.

Đến ngày 26/3, tình hình sức khỏe của các trẻ mắc thủy đậu đã ổn định, chỉ còn 3 trẻ theo dõi, điều trị tại nhà. Ổ dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, trước sự gia tăng ca mắc ở một số tỉnh, thành phố, nhất là tại Hà Nội và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Yên Bái, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân cần chủ động phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là.

Ông Nguyễn Quang Đới, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà cho biết: Thủy đậu là bệnh lành tính song nếu không theo dõi, điều trị đúng cách sẽ dẫn tới biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng da, biến chứng nhiễm trùng huyết... Xử lý chùm ca mắc tại Trường Mầm non Trần Thái Tông, Trung tâm đã cấp cloramin B để địa phương thực hiện việc khử khuẩn, vệ sinh lớp học, đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi của trẻ; đồng thời giám sát ca mắc mới. Với trẻ đã mắc bệnh thủy đậu, tuyên truyền để gia đình bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng của trẻ; cách ly trẻ tại nhà sau khi khỏi mới cho đi học. Các gia đình phối hợp với cán bộ Trạm Y tế xã theo dõi tình hình sức khỏe, điều trị bệnh hiệu quả. Thủy đậu là bệnh do virus gây nên, vì thế để phòng, chống bệnh trên địa bàn huyện, chúng tôi đã triển khai tới các trạm y tế phối hợp với nhà trường tăng cường giám sát, tuyên truyền các gia đình, học sinh thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng có thể xảy ra.

* Bệnh thủy đậu là do virus Varicella Zoster gây ra.

* Bệnh dễ lây lan qua sự tiếp xúc, từ các nốt ban ngứa ở người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của người bị nhiễm.

* Triệu chứng thủy đậu: Vùng da như lưng, ngực, bụng và mặt xuất hiện phát ban hơi sưng đỏ nhẹ, mụn nước phỏng rộp, sốt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi.


* Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả phòng bệnh thủy đậu.



Hoàng Lanh